Lộ trình chuyển đổi số doanh nghiệp không xuất phát từ công nghệ

Bùi Quốc Khánh
Chia sẻ tại sự kiện “Hệ sinh thái chuyển đổi số cho doanh nghiệp sản xuất”, chuyên gia Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, lộ trình chuyển đổi số doanh nghiệp không xuất phát từ công nghệ, mà cần phải bắt đầu từ mục tiêu phát triển của đơn vị.

Sự kiện “Hệ sinh thái chuyển đổi số cho doanh nghiệp sản xuất – Xu hướng và chiến lược thực thi trong môi trường công nghệ 4.0”, vừa được Công ty 1C Việt Nam tổ chức tại Hà Nội.

Theo các chuyên gia, chuyển đổi số đang tác động, ảnh hưởng sâu rộng đến cấu trúc và các mối quan hệ trong nền kinh tế toàn cầu. Tại Việt Nam, áp lực từ chuyển đổi số đang ngày càng gia tăng, thậm chí mang tính “sống còn" với sự tồn tại của nhiều doanh nghiệp.

chuyen-doi-so-doanh-nghiep-san-xuat-1-153-1668277654.jpg
Chuyên gia chuyển đổi số Phạm Anh Tuấn.


Trao đổi tại sự kiện, chuyên gia chuyển đổi số Phạm Anh Tuấn cho hay, chuyển đổi kỹ thuật số vượt ra ngoài số hóa bằng cách tạo ra sự thay đổi toàn diện đối với chiến lược kinh doanh của công ty.

Ông Tuấn cũng cho rằng, chuyển đổi số không phải là dự án có điểm đầu và điểm kết thúc mà là một hành trình trải qua 5 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn đầu tiên là đặt ra các nền tảng để tự động hóa các quy trình kinh doanh, vận hành bằng CNTT. Tiếp đến là số hóa tách biệt, đồng bộ hóa từng phần, đồng bộ hóa hoàn toàn và tiến tới DNA hóa - giai đoạn hình thành văn hóa lâu dài, bền vững của sự tái tạo kỹ thuật số liên tục.

“Đa số các doanh nghiệp Việt Nam mới đang ở giai đoạn 1 hoặc giai đoạn 2 của quá trình này. Có thể hình dung chuyển đổi số giống như doanh nghiệp cất cánh trên đường bay. Ở chặng đầu, máy bay phải cố gắng tăng tốc độ càng cao càng tốt, có như vậy mới rút ngắn được đường bay. Còn nếu chúng ta càng xuất phát chậm thì doanh nghiệp sẽ lâu mới có thể cất cánh”, ông Tuấn chia sẻ thêm.


Cùng với việc giới thiệu lộ trình chuyển đổi số gồm 8 bước, vị chuyên gia này nhấn mạnh, một lộ trình chuyển đổi số không xuất phát từ công nghệ, từ câu hỏi chúng ta sẽ sử dụng công nghệ nào, mà phải xuất phát từ mục tiêu phát triển, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Trong lộ trình đó, công nghệ xuất hiện ở phần cuối của lộ trình, cụ thể là bước 7 và 8 - xây dựng nền tảng công nghệ và tổ chức công nghệ xoay quanh dữ liệu.

chuyen-doi-so-doanh-nghiep-san-xuat-2-154-1668277669.jpg
CEO 1C Việt Nam Alexander Evchenko.


Từ góc nhìn của đơn vị cung cấp giải pháp chuyển đổi số, ông Alexander Evchenko, CEO Công ty 1C Việt Nam nhận định, thực tế cho thấy nhóm các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong hành trình lựa chọn con đường chuyển đổi số phù hợp.

Đại diện 1C Việt Nam phân tích, việc thiếu những giải pháp cho phép tùy chỉnh linh hoạt là nguyên nhân của những rào cản trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Nhiều giải pháp đang được các công ty cung cấp thường không thể hoặc rất khó để mở rộng và tùy chỉnh theo nhu cầu của công ty; và điều này cũng có nghĩa phần mềm không thể đồng hành cùng doanh nghiệp trong suốt vòng đời kinh doanh. Ngoài ra, một số giải pháp trên thị trường được thiết kế với chức năng cố định, đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi quy trình làm việc để phù hợp với quy trình vận hành của phần mềm.

Vì thế, trong kỷ nguyên số, chiến lược chọn nhà cung cấp với một hệ sinh thái chuyển đổi số sẽ giúp cho các doanh nghiệp có một mô hình chuyển đổi cần thiết. “Hệ sinh thái chuyển đổi số 1C Việt Nam là một hệ sinh thái “toàn diện”, gồm hệ sinh thái nội bộ, có thể tích hợp hệ thống giải pháp của 1C và hệ sinh thái đối tác. Được kế thừa khả năng tích hợp của nền tảng 1C:Enterprise, các giải pháp quản trị chuyên sâu của chúng tôi có thể trao đổi dữ liệu với nhau cũng như trao đổi dữ liệu với cả các giải pháp của nhà cung cấp khác”, ông Alexander Evchenko khẳng định.

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN