Kết nối cung cầu công nghệ để doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử

Bùi Quốc Khánh
Kết nối cung cầu công nghệ cho sự phát triển sản phẩm của doanh nghiệp và thúc đẩy hơn nữa thị trường thương mại điện tử trên địa bàn là nội dung chính cuộc hội thảo khoa học trực tuyến do Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng tổ chức ngày 10/11.

Khoảng 60 đại biểu đại diện các doanh nghiệp (DN) KH&CN, DN khởi nghiệp, các sở, ban, ngành, viện, trường và Hiệp hội DN, các tổ chức trung gian liên quan hoạt động chuyển giao công nghệ… đã tham dự hội thảo khoa học trực tuyến “Nền tảng kết nối cung cầu công nghệ và phát triển sản phẩm trong DN” do Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng tổ chức ngày 10/11.

ketnoicungcaucongnghe2-1668207522.jpg
 

Hội thảo tập trung vào 4 nội dung chính: “Vai trò của tổ chức trung gian trong hoạt động kết nối cung cầu, phát triển thị trường KH&CN”; “Sàn thương mại điện tử FiveSS - Nền tảng số phục vụ kết nối cung cầu công nghệ và sản phẩm của các DN, phục vụ đời sống số cho mọi nhà”; “Selly - Nền tảng công nghệ phân phối hàng hoá từ DN tới hệ thống đại lý và cộng tác viên” và “Nền tảng sàn thương mại điện tử dành cho cộng tác viên bán hàng và giải pháp thanh toán QR code”.
Theo ông Huỳnh Sang, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng, cuộc hội thảo nhằm trao đổi, chia sẻ các nền tảng, mô hình kết nối cung cầu công nghệ, sản phẩm để thúc đẩy hoạt động ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh hợp tác, đầu tư của DN.


Tại hội thảo, TS Lê Đức Viên, Giám đốc Sở KH&CN Đà Nẵng nêu rõ, cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ đã góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá tại Việt Nam, dẫn đến tốc độ phát triển nhanh chóng của ngành thương mại điện tử. Đây được đánh giá là ngành trụ cột chính của nền kinh tế số tại châu Á và trên thế giới, tạo động lực lớn cho phát triển thương mại và kinh tế.

Ông cho biết, thông qua các cơ chế chính sách thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ để phát triển thị trường KH&CN, đến nay TP Đà Nẵng đã hỗ trợ hơn 60 lượt DN đổi mới công nghệ với kinh phí gần 8 tỷ đồng; hỗ trợ gần 20 DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, vườn ươm DN với kinh phí gần 4 tỷ đồng. Đặc biệt, sàn giao dịch công nghệ và thiết bị Techmart Online do Sở KH&CN Đà Nẵng xây dựng hiện có hơn 30 nghìn sản phẩm được niêm yết, giới thiệu và hơn 8 triệu lượt người dùng truy cập.

“Với vai trò đầu tàu, động lực khu vực miền Trung – Tây Nguyên, TP Đà Nẵng có tốc độ phát triển kinh tế cao; các quan hệ mua bán, chuyển giao sản phẩm và công nghệ giữa các cá nhân, tổ chức nghiên cứu và các DN không ngừng phát triển. Hiện nay, nhiều DN đang từng bước phát triển thị trường thông qua các kênh thương mại điện tử. Đây là hướng phát triển phù hợp với xu thế chung, tạo điều kiện cho các đơn vị phát triển một cách bền vững”, TS Lê Đức Viên nói.

Tuy nhiên ông nêu rõ, các DN trên địa bàn còn gặp nhiều thách thức trong việc phát triển hoạt động thương mại điện tử, khả năng xây dựng thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế chưa đạt như mong muốn. Do vậy, ông kỳ vọng qua hội thảo lần này, các DN sẽ tìm được những giải pháp công nghệ, ý tưởng kinh doanh hiệu quả, phù hợp với xu hướng phát triển thương mại điện tử.

Hải Châu
ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN