Nghiên cứu các giải pháp khoa học và công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển sản xuất nhãn bền vững tại Sơn La và một số tỉnh phía Bắc

Bùi Quốc Khánh
Nhãn là cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao ở các tỉnh phía Bắc, tuy nhiên, sản xuất nhãn ở các tỉnh phía Bắc hiện đang còn một số tồn tại chủ yếu như diện tích nhãn đang được trồng ở các tỉnh phía Bắc hầu hết là được nhân giống bằng hạt, do vậy các giống nhãn trồng rất đa dạng về khả năng sinh trưởng, về năng suất và chất lượng quả; cơ cấu các giống nhãn trồng trong sản xuất chưa phong phú, hầu hết các giống nhãn đang được trồng chủ yếu là các giống nhãn chín chính vụ, do vậy thời gian cho thu hoạch nhãn ngắn, gây áp lực cho việc tiêu thụ sản phẩm; ở tất cả các tỉnh trồng nhãn tập trung, tỷ lệ số hộ nông dân nắm vững kiến thức, có khả năng tiếp cận và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong canh tác rất thấp. Hiện tượng ra quả không ổn định, nhiều cây không ra hoa xảy ra ở tất cả các tỉnh trồng nhãn tập trung và các biện pháp kỹ thuật tác động ở giai đoạn cận thu hoạch và sau thu hoạch để giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch, cải thiện mẫu mã quả chưa có nhiều kết quả nghiên cứu được đưa vào áp dụng trong sản xuất cũng việc tiếp cận với biện pháp kỹ thuật quản lý, phòng trừ các đối tượng sâu bệnh gây hại theo hướng tạo sản phẩm an toàn, bền vững chưa được phổ biến ở hầu hết các tỉnh trồng nhãn ở phía Bắc.


Trong những năm gần đây, Viện Nghiên cứu Rau quả đã có các nghiên cứu trên cây nhãn, tập trung vào các lĩnh vực: tuyển chọn và chọn tạo giống; nhập nội và khảo nghiệm giống; nghiên cứu biện pháp kỹ thuật canh tác, kỹ thuật xử lý ra hoa trái vụ, các biện pháp kỹ thuật tác động ở giai đoạn cận và sau thu hoạch. Tuy nhiên, tại Sơn La hiện chưa có nhiều những nghiên cứu về trồng khảo nghiệm các giống mới, các nghiên cứu về các biện pháp kỹ thuật canh tác cho điều kiện sinh thái đặc thù của tỉnh, nghiên cứu về kỹ thuật xử lý ra hoa để khắc phục hiện tượng ra hoa cách năm... được triển khai.

Để có được bộ giống nhãn tương đối phong phú, có thời gian cho thu hoạch dài hơn, có các biện pháp kỹ thuật canh tác phù hợp với điều kiện sinh thái đặc thù của Sơn La cũng như một số tỉnh phía Bắc, có quy trình kỹ thuật tác động ở giai đoạn cận thu hoạch và sau thu hoạch làm giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch và làm chủ được công nghệ xử lý ra hoa khắc phục hiện tượng ra hoa cách năm một số giống nhãn trồng chủ yếu ở miền Bắc, nhóm nghiên cứu, Viện nghiên cứu rau quả - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, do PGS. TS. Nguyễn Quốc Hùng đứng đầu đã triển khai thực hiện dự án: “Nghiên cứu các giải pháp khoa học và công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển sản xuất nhãn bền vững tại Sơn La và một số tỉnh phía Bắc” nhằm xác định được bộ giống và các biện pháp kỹ thuật thâm canh góp phần nâng cao hiệu quả và phát triển sản xuất nhãn bền vững tại Sơn La và một số tỉnh phía Bắc.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, đề tài thu được những kết quả như sau:

1. Đề tài đã hoàn thành đầy đủ các sản phẩm về: chủng loại, số lượng, khối lượng và chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của đặt hàng và thuyết minh đề cương nghiên cứu đã được phê duyệt; các kết quả nghiên cứu thu được của đề tài đã được các tỉnh trồng nhãn tập trung Sơn La và Hưng Yên chấp nhận đưa vào áp dụng trong sản xuất nhãn của địa phương.

2. Đã thu thập bổ sung được 8 dòng giống nhãn ưu tú đáp ứng được các tiêu chí của đặt hàng. Các dòng nhãn thu thập được có khả năng sinh trưởng khỏe, năng suất cao đạt trên 100 kg/cây, khối lượng quả đạt trên 15 gam, tỷ lệ phần ăn được đạt trên 65%. Đề tài xác định được 9 giống/dòng nhãn triển vọng đưa vào trồng khảo nghiệm tại Sơn La và Hà Nội là: 4 dòng điều tra thu thập năm 2017 (VS1; VS2, VS3 và VM2) được mã hóa là (NS201; NS202, NS203 và NM208); 3 dòng nhãn Viện Nghiên cứu Rau quả đang tuyển chọn: nhãn T6, nhãn Ánh Vàng 205 và nhãn NT206; giống nhãn PHM99-1.1 đã được công nhận giố ng và giống nhãn IDO của Thái Lan đã được thu thập từ trước. Các giống/dòng nhãn triển vọng đều có khả năng sinh trưởng khỏe và cho thu hoạch quả trong điều kiện sinh thái các vùng trồng khảo nghiệm.

3. Đã tuyển chọn được 1 giống nhãn chính vụ T6, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống sản xuất thử theo Quyết định số 394/QĐBNN-TT ngày 21/11/2019. Giống có khả năng sinh trưởng khỏe, cho năng suất cao, chất lượng quả tốt và trồng thích hợp ở một số tỉnh phía Bắc.

Thời vụ thu hoạch chính: từ 20/7 đến 15/8. Khối lượng quả: đạt trên 15,0 g/quả. Năng suất ổn định đạt 20-25 tấn/ha.

Chất lượng quả: độ brix đạt 21,4 - 21,5 %, tỷ lệ cùi đạt >68 %. Đánh giá cảm quan: ăn ngọt, cùi mầu trắng trong, thơm, giòn, ráo nước, dễ tách khỏi hạt và ít bị sâu bệnh nguy hiểm gây hại.

4. Đã xác định được 2 giống nhãn đã được công nhận giống, 1 giống nhãn được công nhận từ kết quả nghiên cứu của đề tài và 2 dòng nhãn mới có năng suất cao, chất lượng tốt và trồng phù hợp trong điều kiện sinh thái của các tỉnh Sơn La và Hưng Yên. Các giống/dòng nhãn mới đã được các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Sơn La và Hưng Yên chấp nhận đưa vào sản xuất tại địa phương.

Tại Sơn La đã xác định được 04 giống/dòng, bao gồm: dòng nhãn sớm NS203; giống/dòng nhãn chính vụ; giống nhãn T6, dòng nhãn Ánh Vàng 205 và giống nhãn muộn PHM99-1.1. Các giống/dòng nhãn trên đều có khả năng sinh trưởng tốt, có năng suất đạt 52,0 - 80,2 kg/cây ở vụ thu hoạch quả thứ 2 sau ghép cải tạo, khối lượng quả đạt 15,2 - 15,4 g, tỷ lệ phần ăn được đạt 67,8 - 70,6%; brix đạt 21,2 - 23,5%.

Tại vùng sinh thái tỉnh Hưng Yên gồm 03 giống: nhãn sớm PHS2, nhãn chính vụ T6 và nhãn muộn PHM99-1.1. Các giống nhãn trên đều có khả năng sinh trưởng tốt, có năng suất đạt 20-22 tấn/ha, khối lượng quả đạt 14,1 - 15,3 g, tỷ lệ phần ăn được đạt 66,7 - 68,2%; brix đạt 19,5 - 23,3%.

5. Đã xác định được biện pháp kỹ thuật khoanh vỏ và xử lý KClO3 với thời gian và liều lượng thích hợp, khắc phục hiện tượng ra quả cách năm trên 2 giống nhãn PHS2 và PHM99-1.1 tại Sơn La và Hưng Yên. Hoàn thiện được quy trình kỹ thuật thâm canh tiên tiến nâng cao năng suất, chất lượng quả một số giống nhãn ở các tỉnh Sơn La và Hưng Yên. Quy trình đưa vào áp trong sản xuất đã quản lý được bộ tán cây hợp lý, cây sinh trưởng phát triển tốt, tăng năng suất từ 20-25% so với sản xuất đại trà, thời gian thu hoạch kéo dài từ 10/7 đến 15/9; chất lượng quả tốt, độ brix đạt trên 20%, mẫu mã quả đẹp, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng được yêu cầu cho nội tiêu hoặc xuất khẩu. Quy trình đã được Viện Nghiên cứu Rau quả ban hành cấp cơ sở, được các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sơn La và Hưng Yên chấp nhận đưa vào áp dụng trong sản xuất nhãn tại địa phương.

6. Đã hoàn thiện được quy trình kỹ thuật xử lý giai đoạn cận thu hoạch và sau thu hoạch giảm tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch, cải thiện được mẫu mã quả, đảm bảo an toàn thực phẩm và được áp dụng cho xử lý nhãn cho các đơn hàng xuất khẩu nhãn tại Sơn La: (1) Sử dụng biện pháp xông lưu huỳnh ở nồng độ 0,35 g/kg nhãn trong 30 phút, có thể bảo quản được 30 ngày với tỷ lệ thối hỏng thấp; (2) Sử dụng dung dịch MEDIPAG với nồng độ 0,15% xử lý đối với quả nhãn chín muộn PHM99-1.1 góp phần kéo dài thời gian bảo quản nhãn đến 25 ngày với tỷ lệ thối hỏng. (3) Khi bảo quản ở nhiệt độ lạnh 3 - 5oC, quả nhãn được bao gói trong túi polyethyen có độ thoáng khí 0,1% hoặc màng MAP góp phần kéo dài thời gian bảo quản nhãn đến 25 ngày.

Quy trình đã được Viện Nghiên cứu Rau quả ban hành cấp cơ sở, được các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sơn La và Hưng Yên chấp nhận đưa vào áp dụng trong sản xuất nhãn tại địa phương

7. Xây dựng 4 ha mô hình thâm canh giống nhãn chín sớm PHS2 và giống nhãn chín muộn PHM99-1.1 tại Sơn La và Hưng Yên, áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác tiến tiến từ kết quả nghiên cứu thu được của đề tài. Các mô hình thâm canh được xây dựng tại các tỉnh Sơn La và Hưng Yên đều cho cây có khả năng sinh trưởng khỏe, năng suất trung bình đạt 21,7 tấn/ha đối với giống chín sớm PHS2 và 24,2 tấn/ha đối với giống PHM99.1.1; lãi thuần tương ứng ở mô hình các giống đạt 309 triệu đồng và 238 triệu đồng/ha. Các mô hình thâm canh có năng suất cao hơn sản xuất đại trà trên 20% và cho hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất đại trà trên 30%.

Các kết quả nghiên cứu của đề tài đã được đăng trên Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN