Tìm đường xuất khẩu sang Nhật Bản: Doanh nghiệp cần bỏ tư duy sản xuất manh mún, giữ uy tín để đi đường dài

Tìm đường xuất khẩu sang Nhật Bản: Doanh nghiệp cần bỏ tư duy sản xuất manh mún, giữ uy tín để đi đường dài

DNVN - Bà Quyền Thị Thu Hà - Phụ trách Chi nhánh thương vụ (Nhật Bản) khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam muốn hợp tác với đối tác Nhật Bản cần nhất quán, chắc chắn về chất lượng sản phẩm; cần giữ gìn uy tín kinh doanh với đối tác để đi được đường dài chứ không chỉ là xuất khẩu nhất thời với hợp đồng ban đầu.

Tại phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản do Cục Xúc tiến thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức sáng 8/4, bà Nguyễn Thu Thủy - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại) cho biết, Nhật Bản là thị trường có nhu cầu nhập khẩu lớn hàng nông, thủy sản, thực phẩm chế biến, trong khi Việt Nam lại có lợi thế cạnh tranh lớn về các sản phẩm này. Việt Nam và Nhật Bản đều đang là thành viên của 4 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương.

Do vậy, giữa 2 nước có nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi để mở rộng hợp tác giao thương trong nhiều lĩnh vực, trong đó có nông sản, thực phẩm.

Bà Nguyễn Thu Thủy cho biết, Nhật Bản có nhu cầu lớn về các mặt hàng nông sản.

Cũng nhấn mạnh về tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm, ông Tạ Đức Minh - Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho hay, với 126 triệu dân, Nhật Bản là thị trường có sức tiêu thụ lớn với hàng nông - thủy sản - thực phẩm nhập khẩu. Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu nhiều về cá, tôm, lươn, thịt và sản phẩm chế biến từ thịt, đậu nành, ngũ cốc, rau quả tươi và chế biến, cà phê... Đây là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh.

Hiện nay có khoảng gần 500.000 người Việt sống tại Nhật Bản. Hàng thực phẩm Việt ngày càng được ưa chuộng tại thị trường Nhật Bản. Một số mặt hàng trái cây Việt Nam cũng chiếm thị phần lớn và ngày càng phổ biến trên thị trường, như thanh long, xoài, dừa, vải...

Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 1,8 tỷ USD, giảm nhẹ ở mức 0,5% so với năm 2020. Mặc dù mặt hàng chủ lực trong nhóm hàng này là hàng thủy sản có mức giảm 7,4%, các mặt hàng còn lại ghi nhận mức tăng trưởng rất tốt, như cà phê tăng 25,5%, hàng rau quả tăng 20%, hạt điều tăng 39%, hạt tiêu tăng 56%...

Tuy nhiên, theo ông Minh, các yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm... đối với hàng nhập khẩu từ nước ngoài (trong đó có Việt Nam) vào thị trường Nhật Bản là rất cao, gây ra ít nhiều khó khăn cho DN xuất khẩu.

Ông Vũ Hoàng Đức - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản khẳng định, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều giải pháp xúc tiến thương mại, quảng bá đặc sản Việt Nam vào Nhật Bản và đã đạt được kết quả ban đầu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, điều này chưa đáng kể và chưa phát huy hết tiềm năng thực tế của nông sản Việt Nam. Hầu hết các sản phẩm các sản phẩm mới chỉ được xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô, khi trở thành thành phẩm đến tay người tiêu dùng được mang bao bì, tem nhãn hoàn toàn của nhà nhập khẩu vào Nhật Bản.

Cần sự chung tay của 4 nhà

Để đa dạng hóa hàng hóa Việt Nam và nâng cao hơn nữa hiệu quả quảng bá đặc sản địa phương vào Nhật Bản, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản cho rằng cần sự chung tay quyết liệt của 4 nhà: Nhà nước, DN, nhà nông và nhà khoa học.

Trong đó, Nhà nước cần tăng cường hơn nữa các thể chế, chính sách và chương trình hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực cho các nhà sản xuất, kinh doanh đặc sản địa phương. Thành lập và nâng cao năng lực cho tổ chức, tập thể, các nhà sản xuất, kinh doanh để họ chủ động triển khai việc thiết lập và vận hành hệ thống quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm một cách chuyên nghiệp.

Ông Vũ Hoàng Đức cho rằng, cần sự chung tay của 4 nhà để đa dạng hóa hàng hóa Việt Nam tại thị trường Nhật Bản.

Triển khai các chiến dịch hoạt động thiết thực để đồng hành cùng DN trong quá trình quảng bá hình ảnh đặc sản địa phương vào Nhật Bản.

Xây dựng và vận hành hệ thống quốc gia để kiểm soát chất lượng đặc sản một cách chặt chẽ, khoa học, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo sản phẩm khi lưu thông trên thị trường quốc tế có chất lượng ổn định, có thể truy xuất nguồn gốc dễ dàng.

Trong khi đó, nhà nông cần chủ động nâng cao năng lực sản xuất thông qua việc xây dựng và thực hiện kế hoạch bài bản, tuân thủ chặt chẽ các quy định về đảm bảo chất lượng đặc thù và ổn định của sản phẩm. Đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các quy định của hệ thống truy xuất nguồn gốc. Từ đó giúp tạo nền tảng để xuất khẩu bền vững, duy trì và đa dạng hóa được thị trường Nhật Bản.

Đặc biệt, phải từng bước xóa bỏ tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tùy hứng, vì lợi ích trước mắt mà bỏ qua lợi ích lâu dài, lợi ích chung của cả cộng đồng, địa phương. Có ý thức gây dựng, giữ gìn và bảo vệ uy tín, danh tiếng cho đặc sản địa phương.

Với nhà khoa học, cần chủ động nghiên cứu, ứng dụng các kết quả nghiên cứu, tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo tiền đề cho việc khẳng định duy trì thương hiệu sản phẩm bền vững trên thị trường.

Còn các DN cần xây dựng thiết kế liên kết nhiều DN nhỏ với nhau, hoạt động theo chuỗi giá trị có sự chuyên môn hóa từng giai đọan sản xuất kinh doanh. Qua đó tạo ra sức mạnh tập thể; xây dựng được các thương hiệu đủ lớn, đủ mạnh, đủ cạnh tranh với các thương hiệu đã tồn tại từ lâu trên thị trường quốc tế, nhất là thị trường Nhật Bản.

Tăng cường hơn nữa hoạt động nghiên cứu, phân tích, đánh giá khả năng tiếp cận và mở rộng thị trường, thành lập các bộ phận chuyên trách về phát triển thị trường và xúc tiến thương mại với đội ngũ nhân viên chuyên gia được đào tạo bài bản.

Chia sẻ kinh nghiệm cho DN Việt Nam muốn hợp tác với đối tác Nhật Bản, bà Quyền Thị Thu Hà - Phụ trách Chi nhánh thương vụ (Nhật Bản) khuyến cáo DN cần hết sức nhất quán và chắc chắn về chất lượng sản phẩm khi cung cấp cho thị trường Nhật Bản. Cần giữ gìn uy tín kinh doanh với đối tác để đi được đường dài chứ không chỉ là xuất khẩu nhất thời với hợp đồng ban đầu. Phía Nhật rất coi trọng vấn đề uy tín, nên việc duy trì chất lượng sản phẩm trong suốt qúa trình hợp tác là rất quan trọng.

Trong hoạt động giao thương, kết nối, phải chú ý đến những đặc thù của thị trường như ngôn ngữ cũng như những đặc điểm khác biệt với các thị trường khác. DN cần đầu tư đáng kể dây chuyền hiện đại nếu muốn thâm nhập sâu vào thị trường Nhật Bản. Kinh doanh với Nhật Bản ít xảy ra lừa đảo, nhưng rủi ro khi kinh doanh với quốc gia này vẫn có. Do đó, DN cần hết sức thận trọng, xác định mối quan hệ hợp tác chắc chắn để làm ăn lâu dài và hiệu quả.

Nguyệt Minh

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN