Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt: Ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm Vùng đồng bằng sông Cửu Long

Bùi Quốc Khánh
Vùng đồng bằng sông Cửu Long (Vùng) có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển nông nghiệp, thủy sản do vậy cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững cũng như nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm của Vùng.

Đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết tại Hội thảo “Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Vùng nhanh và bền vững” vừa được tổ chức vào ngày 15/12 tại tỉnh Sóc Trăng.

Tham dự Hội thảo còn có đồng chí Bùi Thế Duy, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ Trưởng Bộ KH&CN; đồng chí Nguyễn Quân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN; đại diện lãnh đạo các ban ngành trung ương; lãnh đạo 13 Sở KH&CN; lãnh đạo các địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp trên địa bàn.

Về phía tỉnh Sóc Trăng có đồng chí Lâm Văn Mẫn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng; đại diện lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban ngành, địa phương.

Nâng cao năng suất, tạo bứt phá dựa vào KH&CN

anh-1254-1671729022.jpg
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ KH&CN cho biết, với vị thế quan trọng của Vùng, có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển, đặc biệt là nông nghiệp với hơn 2,5 triệu ha đất canh tác (chiếm 62,9 % diện tích đất tự nhiên cả vùng) được bồi đắp phù sa màu mỡ. Vùng đất này đóng góp hơn 50% sản lượng lúa, 65% thuỷ sản, 70% trái cây các loại. Trong đó, 95% sản lượng gạo và 60% sản lượng cá xuất khẩu. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương chính sách, triển khai nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội nói chung, Vùng nói riêng. Trong đó, Nghị quyết số 78/NQ/CP ngày 21/6/2022 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 18/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra nhiều quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp hết sức quan trọng cần triển khai thực hiện, yêu cầu phải phát triển nhanh, bền vững, phù hợp với vị trí, vai trò chiến lược của Vùng. Do vậy, để phát huy hết tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của Vùng, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN & ĐMST) tiếp tục được xác định là quốc sách hàng đầu, một trong những động lực quan trọng nhất, có tính đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng.

anh-2246-1671729037.jpg
 

Đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng, đồng chí Lâm Văn Mẫn cho biết, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng đã khẳng định “Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả cạnh tranh”. Theo đó, tốc độ tăng trưởng của tỉnh năm 2022 đạt 7,71%, là tốc độ tăng trưởng cao nhất từ năm 2011 đến nay, tăng trưởng trên cả 3 khu vực. Tình hình sản xuất nông nghiệp tiếp tục được duy trì và ổn định; công nghiệp xây dựng, thương mại, dịch vụ đểu có bước tăng trưởng với mức tăng trên 11%; giá trị xuất khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng với kim ngạch xuất khẩu trên 1,4tỷ USD; lĩnh vực du lịch, vận tải phục hồi và tăng trưởng mạnh. Hoạt động KHCN & ĐMST có nhiều chuyển biến, góp phần khai thác hiệu quả các nguồn lực của tỉnh.

Tuy nhiên, đồng chí Bí thư tỉnh ủy cũng nhấn mạnh đến việc cần tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN, tăng cường chuỗi liên kết 6 nhà “Nhà nông – Nhà nước – Nhà đầu tư – Nhà băng – Nhà khoa học – Nhà phân phối” trong đó vai trò của doanh nghiệp phải được khẳng định trong việc ứng dụng các nghiên cứu, tiến bộ KH&CN vào sản xuất và nâng cao giá trị thương mại của các sản phẩm.

Tham gia vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp

Đánh giá về hoạt động KH&CN của tỉnh, Giám đốc Sở KH&CN Sóc Trăng Vũ Thị Hiếu Đông cho biết, thời gian qua địa phương đã triển khai nhiều nhiệm vụ KH&CN, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tế sản xuất, hỗ trợ, tăng thu nhập cho người dân, gắn sản xuất với bảo vệ môi trường, chú trọng đến các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Đơn cử, về cây lúa, tỉnh đã chuyển dần sản xuất theo hướng đặc sản, chất lượng cao, mang lại giá trị cao hơn cho người dân, kết quả gạo ST 25 đã được vinh danh “gạo ngon nhất thế giới” tại Hội nghị quốc tế lần thứ 11 về thương mại gạo, tổ chức tại Manila (Philippines).

Sản phẩm tôm sú, tôm thẻ đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý và Artemia bởi thủy sản được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh dựa trên lợi thế tự nhiên của tỉnh ở cả 3 vùng sinh thái nước mặn, ngọt, lợ,…

Ông Nguyễn Trường Thịnh, Phó Tổng Giám đốc Cty TNHH Chế biến dừa Lương Quới (Bến Tre) lại nhấn mạnh sự hỗ trợ của Bộ KH&CN thời gian qua, đặc biệt có thể kể đến đề tài “Nghiên cứu chiết tách dầu dừa tinh khiết bằng công nghệ không gia nhiệt” đã cho ra đời dây chuyền sản xuất với công suất 5 triệu lít/năm, đáp ứng kinh doanh nội địa cũng như xuất khẩu. Theo ông Thịnh, việc ứng dụng KH&CN không chỉ mang lại hiệu quả cao nhất trong sản xuất kinh doanh mà còn đưa các sản phẩm mang thương hiệu của công ty ra thị trường thế giới với một chuỗi sản phẩm được chế biến từ dừa như: cơm dừa nạo sấy, nước dừa đóng lon, dầu dừa tinh luyện, dầu dừa nguyên chất,…

Còn theo ông Lâm Thành Kiệt, Giám đốc Cty TNHH Trịnh Văn Phú (An Giang), việc ứng dụng KHCN & ĐMST đã tạo nên giá trị của hạt gạo hữu cơ Collagen với 17 acid amin tự nhiên thông qua quá trình công nghệ canh tác, qua đó cải thiện mức thu nhập của người trồng lúa An Giang nói riêng và Vùng nói chung.

Theo báo cáo của Bộ KH&CN trong giai đoạn 2018-2022, trong Vùng đã triển khai gần 40 nhiệm vụ KH&CN với tổng kinh phí gần 346 tỷ đồng bao gồm cả ngân sách và ngoài ngân sách. Các nhiệm vụ KH&CN đã tập trung giải quyết đồng bộ các khâu sản xuất theo chuỗi giá trị để phát triển, nâng cao sức cạnh tranh các sản phẩm trọng điểm, chủ lực, có lợi thế của địa phương. Tuy nhiên, báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong hoạt động KH&CN đối với Vùng như: nguồn lực vẫn còn thấp so với thực tế, chưa có giải pháp đủ mạnh để huy động nguồn lực xã hội, nhất là các nhiệm vụ KH&CN có quy mô lớn,…

TS Dương Hoàng Sơn, Viện lúa ĐBSCL cũng nêu những thách thức và nhu cầu phát triển bền vững trong sản xuất lúa gạo ở Vùng. Theo ông, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chọn tạo các giống cây trồng có khả năng chống chịu sâu bệnh, đáp ứng với tác động của biến đổi khí hậu (hạn, mặn, ngập...), ứng dụng nông nghiệp thông minh; kỹ thuật canh tác tiên tiến... là cần thiết nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp góp phần gia tăng giá trị kinh tế.

Theo đó TS Sơn đề xuất một số giải pháp ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ KH&CN trong phát triển lúa gạo chất lượng cao, đồng thời đề xuất thiết lập các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tổng thể và dài hạn cho lúa ở Vùng.Với tinh thần xác định rõ những thuận lợi, khó khăn, những hạn chế tồn tại, trên cơ sở định hướng của Chiến lược phát triển KHCN&ĐMST đến năm 2030 đã Thủ tướng Chính phủ ban hành, tại Hội thảo, đồng chí Huỳnh Thành Đạt bày tỏ mong muốn các đại biểu tập trung làm rõ giải pháp cơ chế, chính sách khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng, nâng cao năng lực hấp thu, làm chủ, đổi mới, chuyển giao công nghệ và tham gia vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, bảo hộ và khai thác phát triển các tài sản trí tuệ; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo,…

anh-3-12-1671729157.jpg
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt và Bí thư Lâm Văn Mẫn tham quan một số sản phẩm tiêu biểu của Vùng
anh-4104-1671729104.jpg
Giới thiệu một số sản phẩm tiêu biểu của Vùng tại Hội thảo

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN