Tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khoa học công nghệ vươn ra biển lớn

Bùi Quốc Khánh
Theo TS Luận Thùy Dương - Phó Ban Hội nhập quốc tế, Hiệp hội Doanh nghiệp KH&CN Việt Nam (VST), nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Myanmar, để tiếp cận thị trường quốc tế, các doanh nghiệp cần có nhiều thông tin về thị trường mà mình hướng tới, xây dựng chiến lược chi tiết, đăng ký sở hữu trí tuệ để phát triển bền vững.

Thưa bà, cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp KHCN nói riêng có những thuận lợi, khó khăn nào trong hội nhập kinh tế quốc tế?

TS Luận Thùy Dương: Các doanh nghiệp (DN) hội viên của VST đều là những DN phát triển trên nền tảng KHCN, đạt nhiều chuẩn mực quốc tế. Các hội viên đã có hàng ngàn sản phẩm được xuất khẩu chất lượng, có uy tín cao tại các thị trường hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật Bản, EU, Canada…

Trong những năm gần đây, Chính phủ đã có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ DN KHCN như miễn, giảm thuế thu nhập DN; miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước tập trung. Bên cạnh đó còn ưu đãi tín dụng cho DN KHCN thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và sản xuất kinh doanh. Đồng thời, Nhà nước cũng có các chính sách hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa kết quả khoa học và công nghệ; đặc biệt là chính sách hỗ trợ, khuyến khích DN ứng dụng, đổi mới công nghệ.

Có thể nói những chính sách này là điều kiện cơ bản để các DN KHCN duy trì và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi sau đại dịch, góp phần hội nhập kinh tế quốc tế được thuận lợi.

Tuy vậy, cộng đồng DN KHCN nói chung và của VST nói riêng vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức. Trong đó, qua phản ánh của các DN, sau đại dịch COVID-19, khó khăn lớn nhất mà các DN gặp phải đó là hạn chế về nguồn vốn và nhân lực.

Khó khăn lớn thứ hai mà các DN than phiền là việc tìm kiếm đối tác tương ứng trong lĩnh vực KHCN còn nhiều bế tắc. Trong khi đó, việc các quốc gia ngày càng thắt chặt chính sách bảo hộ trí tuệ và tài sản KHCN đặt ra rào cản lớn cho DN.

ts-luan-thuy-duong-1684947513.jpg

TS Luận Thùy Dương - Phó Ban Hội nhập quốc tế của Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học & Công nghệ Việt Nam (VST), nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Myanmar.

Được biết, VST đã có nhiều hoạt động hỗ trợ các DN thành viên kết nối, tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu. Bà có thể chia sẻ rõ hơn về các hoạt động này?

TS Luận Thùy Dương: Thấu hiểu nhu cầu, mong muốn của DN và thực hiện vai trò kết nối, hỗ trợ DN tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu, thời gian qua, chúng tôi đã thực hiện nhiều chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại với nhiều thị trường khác nhau.

Cụ thể, Ban Hội nhập quốc tế của hiệp hội đã xây dựng chương trình “Kết nối Đại sứ” với một loạt tọa đàm, tạo điều kiện cho các DN trao đổi với các Đại sứ Việt Nam ở nước ngoài, các chuyên gia ngoại về thông tin thị trường, chính sách của nước sở tại, qua đó DN có cơ hội tìm hiểu tiềm năng thị trường ở các khu vực khác nhau.

Chúng tôi cũng tiến hành nhiều hoạt động hỗ trợ và tổ chức các đoàn DN đến các thị trường châu Âu như Đức, Áo, CH Séc, Hungary, Slovenia, Slovakia… gặp gỡ và trao đổi với các DN nước bạn để tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Bên cạnh đó, VST cũng đã giới thiệu và kết nối nhiều đối tác DN KHCN nước ngoài với các DN KHCN Việt Nam.

Ngoài ra, hiệp hội còn phối hợp làm việc với các tổ chức quốc tế như Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP)… để hiểu về luật pháp cũng như tháo gỡ các rào cản, giúp các DN KHCN Việt Nam mở rộng thị trường.

Ban Hội nhập quốc tế có kế hoạch, dự định như thế nào để hỗ trợ DN thích ứng tốt nhất với tình hình hiện nay?

TS Luận Thùy Dương: Tình hình thế giới hiện nay có nhiều biến động khó lường, hoạt động xuất - nhập khẩu của DN vì thể bị ảnh hưởng không nhỏ. Thêm vào đó, việc thúc đẩy hợp tác các lĩnh vực mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, công nghệ sinh học, năng lượng mới... được coi trọng.

Việc hỗ trợ các DN nắm vững các yêu cầu quốc tế về các lĩnh vực hợp tác mới này cũng được Ban đặc biệt chú trọng.

Ngoài ra, Ban cũng hỗ trợ các DN tìm kiếm nguồn đầu tư cũng như tích lũy vốn để phát triển, cũng như thúc đẩy chuyển giao công nghệ.

Bà có kiến nghị gì với cơ quan quản lý Nhà nước cũng như chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ tốt hơn cho cộng đồng DN KHCN?

TS Luận Thùy Dương: Để cộng đồng DN KHCN hoạt động và thích ứng tốt với bối cảnh mới, mở rộng thị trường xuất khẩu, Ban Hội nhập quốc tế của VST “đặt hàng” Chính phủ, bộ, ngành liên quan và các đại sứ giúp cung cấp thông tin thị trường, đối tác có nhu cầu về công nghệ môi trường, công nghệ nước sạch, công nghệ dược phẩm, thiết bị kỹ thuật nông nghiệp, hạ tầng kỹ thuật đô thị…

DN KHCN cũng mong muốn thiết lập được mạng lưới hợp tác với các tổ chức, nhà khoa học trong lĩnh vực sáng tạo KHCN để nâng cao tính ứng dụng vào sản xuất, đời sống.

Mong muốn cơ quan hữu quan hỗ trợ DN tìm kiếm đối tác, chuyển giao công nghệ cũng như hợp tác đào tạo nhân lực chuyên sâu về công nghệ, kỹ thuật.

Cùng với đó, DN rất mong muốn có được đồng hành từ Trung ương đến địa phương nhằm tìm kiếm nguồn vốn cũng như đối tác để liên doanh, liên kết, mở rộng quy mô hoạt động.

Bà có khuyến nghị gì đối với các DN KHCN muốn tiếp cận thị trường quốc tế?

TS Luận Thùy Dương: Để tiếp cận thị trường quốc tế hiệu quả, theo tôi, các DN cần có thông tin về thị trường mà mình hướng tới, từ đó xây dựng những chiến lược chi tiết ngắn hạn, dài hạn cho từng thị trường.

Các DN cần tuân thủ tiêu chuẩn KHCN quốc tế và các sản phẩm bảo đảm đăng ký sở hữu trí tuệ để phát triển bền vững.

Cùng với việc không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, DN nên có bộ phận chuyên trách thúc đẩy tiếp cận thị trường quốc tế và kết nối chặt chẽ với Ban hội nhập quốc tế của VST.

Xin cảm ơn bà!

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN