Thí điểm doanh nghiệp trong trường đại học, viện nghiên cứu

Bùi Quốc Khánh
Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, mặc dù các viện nghiên cứu, trường đại học có nhiều kết quả nghiên cứu và tài sản trí tuệ quan trọng, nhưng hàng hóa khoa học và công nghệ cung cấp từ các cơ sở này còn rất hạn chế cả về số lượng và chất lượng.

3003-nghien-cuu-7947-1680196512.jpg
Nghiên cứu khoa học tại Viện Công nghệ Nano - Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: vnuhcm.edu.vn)

Có rất ít doanh nghiệp lựa chọn chuyển giao công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học. Phần lớn kết quả nghiên cứu chưa hoàn thiện về mặt công nghệ, chưa sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thị trường. Hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu tại các viện nghiên cứu, trường đại học phần lớn được thực hiện bởi mối quan hệ cá nhân của nhà khoa học với doanh nghiệp. Bởi vậy, doanh thu từ khai thác tài sản trí tuệ còn thấp, giá trị hợp đồng mang lại được từ chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 30% so với tổng ngân sách dành cho khoa học và công nghệ.

Thực trạng nêu trên đã kéo dài nhiều năm do các quy định liên quan chuyển giao kết quả nghiên cứu chưa thông thoáng. Một số trường đại học, viện nghiên cứu cho rằng, giải pháp đột phá tháo gỡ bất cập nêu trên là cần sớm thí điểm mô hình doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ (spin-off) tại các viện nghiên cứu, trường đại học. Khác với doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (start-up) không nhất thiết gắn với cơ sở nghiên cứu, doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ do chính nhà khoa học - chủ nhân của phát kiến công nghệ cao - thành lập, điều hành, góp vốn bằng công nghệ; cơ sở nghiên cứu góp vốn bằng thương hiệu, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm; nhà đầu tư đóng góp tài chính để thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Nhiều ý kiến cho rằng, phát triển loại doanh nghiệp này trong các viện, trường là bài học thành công của nhiều trường đại học trên thế giới và trở thành xu hướng phát triển giáo dục đại học gắn với đổi mới sáng tạo hiện nay. Các trường đại học công nghệ trên thế giới hình thành quanh nó một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với hàng trăm vệ tinh là doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ tương tác với các hoạt động học thuật, biến ý tưởng và kết quả nghiên cứu thành sản phẩm có giá trị trên thị trường.

Thời gian qua, nhiều trường đại học ở Việt Nam đã thành lập doanh nghiệp thuộc trường nhưng chưa phải là doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ đúng nghĩa, mà chủ yếu là các công ty TNHH một thành viên, hoặc công ty cổ phần với phần lớn vốn là của trường đại học, nhà trường chi phối hoạt động của các doanh nghiệp đó, giống như một đơn vị trực thuộc trường. Thực tế cho thấy, mô hình này chưa hiệu quả trong thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, sắp tới, các cơ chế, chính sách giải pháp của Bộ sẽ tập trung để trường đại học thật sự trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ. Đồng thời, Bộ sẽ nghiên cứu, đề xuất cơ chế thí điểm phát triển loại hình doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ tại các viện nghiên cứu, trường đại học; tăng cường gắn kết, hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với khu vực công nghiệp và doanh nghiệp. Tuy nhiên, loại hình doanh nghiệp này muốn phát triển cần được tháo gỡ những vướng mắc về hành lang pháp lý. Thí dụ, Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 cho phép thành lập doanh nghiệp trong trường đại học nhưng chưa có quy định cụ thể hướng dẫn hình thành doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ. Để chuyển giao hay mang sản phẩm khoa học và công nghệ góp vốn vào doanh nghiệp thì thủ tục giao quyền và định giá kết quả nghiên cứu còn phức tạp...

Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần thí điểm phát triển doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ ở các cơ sở nghiên cứu đã có nền tảng nghiên cứu khoa học và công nghệ tốt, đồng thời tháo gỡ những rào cản pháp lý.

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN