Phục hồi sản xuất cây ăn quả trên đất bị nhiễm mặn bằng chế phẩm vi sinh vật

Trong nhiều năm gần đây, tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn tại nhiều tỉnh ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng, phát triển của nhiều loại cây ăn quả. Bên cạnh đó, việc lạm dụng quá nhiều phân bón vô cơ diễn ra liên tục trong nhiều năm cũng góp phần làm cho đất bị nhiễm mặn. Để giảm thiệt hại cho các vùng bị nhiễm mặn, nhiều giải pháp khoa học và công nghệ đã được nghiên cứu giúp phát triển vùng trồng cây ăn quả an toàn và bền vững với môi trường. Sử dụng vi sinh vật như nấm men, vi khuẩn có ích đang là một chiến lược khả thi nhằm giúp cây trồng sinh trưởng phát triển trên các vùng đất bị nhiễm mặn.

Ảnh minh họa

Trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến năm 2020, các nhà khoa học tại Viện Di truyền Nông nghiệp đã nghiên cứu sản xuất và ứng dụng chế phẩm vi sinh vật phục hồi sản xuất cây ăn quả trên đất bị nhiễm mặn tại tỉnh Bến Tre. Chế phẩm vi sinh vật này này ứng dụng có hiệu quả trong việc phục hồi sản xuất cây ăn quả trên đất bị nhiễm mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Nghiên cứu đã điều tra hiện trạng và đánh giá ảnh hưởng của đất bị nhiễm mặn đến sinh trưởng phát triển của cây ăn quả, cụ thể là sầu riêng và bưởi da xanh tại đồng bằng sông Cửu Long. Để từ đó phân lập, tuyển chọn, định danh được 3 chủng vi sinh vật chịu được muối NaCl ≥1%, cụ thể là chủng nấm men Saccharomyces sp. T0838 có hoạt tính tổng hợp polysaccarit ngoại bào 34,6± 0,12 g/l, chủng vi khuẩn Achromobacter sp. T0906 có hàm lượng IAA thô có trong dịch nuôi cấy 38,7 µg IAA/100ml, chủng vi khuẩn Bacillus altitudinis T1008 có đường kính vòng phân giải lân 3,7± 0,16 cm và hàm lượng lân tan trong dịch nuôi cấy 23,8 ±0,53 mg P2O5/100ml.

Mô hình sử dụng hiệu quả chế phẩm vi sinh vật phục hồi và suy trì sinh trưởng cho cây sầu riêng và bưởi da xanh quy mô 1 ha ở các giai đoạn kiến thiết cơ bản và kinh doanh cho kết quả cây sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất đạt bình quân 6 – 8 tấn/ha. Với những cây đã bị hiện tượng cháy lá, ngọn có dấu hiệu phục hồi rõ rệt, cây ra nhiều đợt cơi mới, đầu ngọn không bị cháy khô, các đợt lá mới, đầu rễ mới ra nhiều, nhiều rễ cám ở các cây đã được phục hồi. Hiệu quả kinh tế tăng trên 20% so với đối chứng không sử dụng chế phẩm sinh học.

H.Hà

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN