Phát triển Vùng Đồng bằng sông Hồng theo hướng dẫn dắt nền kinh tế, đột phá về khoa học công nghệ

Bùi Quốc Khánh
Vùng Đồng bằng sông Hồng là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước với hạt nhân là Thủ đô Hà Nội; có vai trò là 1 trong 2 "đầu tàu" kinh tế, động lực phát triển hàng đầu của cả nước với 3 cực tăng trưởng là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Đây cũng là vùng đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Sáng 12/2 tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng với chủ đề "Liên kết phát triển - Đổi mới sáng tạo - Xanh và Bền vững".

Để Vùng Đồng bằng sông Hồng trở thành trung tâm khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo hàng đầu cả nước

Chia sẻ tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt cho biết, Vùng Đồng bằng sông Hồng là vùng đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Toàn vùng có trên 500 tổ chức KH&CN, 291 tổ chức nghiên cứu phát triển (R&D), có 14/17 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; tốc độ đổi mới công nghệ (giai đoạn 2016-2020) đạt 51,7%. Tỉ lệ đóng góp của KH&CN (thông qua chỉ số TFP) vào tăng trưởng kinh tế vùng giai đoạn 2016-2020 đạt 48,1%; hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ trong đó hạt nhân là Thủ đô Hà Nội.

img6321-1676172140442785903575-1676218294.jpg
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt: Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tạo động lực phát triển Vùng Đồng bằng sông Hồng rất có ý nghĩa vì nó không chỉ quan trọng đối với Vùng mà nó còn cho cả nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hoạt động KH&CN đã có tác động tích cực tới phát triển KT&XH, bảo đảm quốc phòng an ninh của vùng Vùng Đồng bằng sông Hồng; thể hiện rõ vai trò đồng hành của KH&CN trong sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Các địa phương đã xác định được danh mục sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế, đặc thù để đề ra chương trình phát triển; xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Nhiều dự án, đề án KH&CN liên kết giữa doanh nghiệp với các tổ chức KH&CN đã được triển khai. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào các dự án sản xuất công nghiệp hiện đại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành công. Nhiều công nghệ hiện đại, tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là trong nông nghiệp được triển khai, ứng dụng, mang lại hiệu quả và có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, góp phần phát triển KT&XH toàn vùng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho rằng, tiềm lực KH&CN của một số tổ chức KH&CN do UBND các tỉnh, thành phố quản lý còn yếu (cơ sở vật chất, trang thiết bị vừa thiếu vừa lạc hậu; nhân lực vừa yếu, trình độ chưa cao; chưa đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu về chuyển giao kỹ thuật). Đầu tư cho KH&CN còn hạn chế; tỉ lệ chi cho KH&CN chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế của Vùng; chưa có nhiều sản phẩm khoa học và công nghệ mang tính đột phá được thương mại hóa, doanh nghiệp chưa trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia; trình độ công nghệ của các doanh nghiệp nội địa chủ yếu vẫn đang ở mức trung bình nên khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước chưa cao. Chưa đề xuất và thực hiện được các nhiệm vụ KH&CN lớn để giải quyết các vấn đề liên tỉnh, liên vùng, việc liên kết hoạt động KH&CN giữa các địa phương trong vùng cũng như ngoại vùng chưa thực sự chặt chẽ.

"Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo động lực phát triển Vùng Đồng bằng sông Hồng rất có ý nghĩa vì nó không chỉ quan trọng đối với Vùng mà nó còn cho cả nước. Vì khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo không phát triển thì Việt Nam sẽ rất khó để bắt kịp với tốc độ phát triển nhanh chóng của thế giới", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.

Để Vùng Đồng bằng sông Hồng trở thành trung tâm khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo hàng đầu cả nước, Bộ KH&CN đề xuất: Về cơ chế chính sách, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về KH&CN. Đổi mới toàn diện hoạt động quản lý, triển khai các nhiệm vụ KH&CN các cấp theo hướng công khai, minh bạch, khách quan, đơn giản hóa thủ tục hành chính; chuyển đổi số quy trình quản lý, cơ sở dữ liệu các nguồn lực KHCN&ĐMST; đổi mới chế độ quản lý tài chính, thanh quyết toán, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc chuyển giao tài sản hình thành trong nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước.

Về phát triển hạ tầng: Phát triển hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo vùng, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo nhằm phát triển, tích hợp hình thành các cụm liên kết ĐMST với các khu công nghệ cao, trường đại học, viện nghiên cứu.

Tăng cường đầu tư, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho KHCN&ĐMST. Bảo đảm chi cho KHCN&ĐMST từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển của sự nghiệp khoa học và công nghệ.

Về phát triển nguồn nhân lực KHCN&ĐMST: Kết nối giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để thống nhất nhu cầu về nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Đẩy mạnh xã hội hóa và đa dạng hóa các chương trình đào tạo cho nhân lực quản trị công nghệ và quản lý cho doanh nghiệp ở các trình độ/cấp độ khác nhau.

Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng tiếp cận thông tin công nghệ trong nước và quốc tế. Xây dựng, cung cấp các công cụ và dịch vụ phân tích thông tin sáng chế và dự báo xu hướng phát triển công nghệ để định hướng cho hoạt động KH CN&ĐMST.

Đồng thời, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp trong nước liên doanh với doanh nghiệp FDI. Thành lập các viện nghiên cứu bên cạnh các doanh nghiệp FDI để học hỏi…

Từng bước tham gia sâu vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu

Để phát triển các ngành công nghiệp Vùng đồng bằng sông Hồng theo hướng hiện đại, cạnh tranh, giá trị gia tăng cao và tham gia sâu, toàn diện vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu thì công tác hoàn thiện thể chế hết sức quan trọng.

img6326-16761721403391789112892-1676218316.jpg
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, cần hoàn thiện thể chế để phát triển các ngành công nghiệp Vùng đồng bằng sông Hồng theo hướng hiện đại, cạnh tranh, giá trị gia tăng cao và tham gia sâu, toàn diện vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, những nhiệm vụ trọng tâm cần giải quyết và các khâu đột phá của chính sách phát triển công nghiệp Vùng Đồng bằng sông Hồng cần khai thác và phát huy trên cơ sở thế mạnh về địa chính trị, địa kinh tế, điều kiện tự nhiên, các giá trị văn hoá, lịch sử để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là đất đai, nhân lực chất lượng cao, ứng dụng KH&CN, ĐMST, phát triển kinh tế số, cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, trước hết, các địa phương trong Vùng cần tập trung quán triệt sâu sắc quan điểm, định hướng, giải pháp, nhiệm vụ trong các nghị quyết chuyên đề của Trung ương ban hành thời gian gần đây (Nghị quyết 23 về định hướng phát triển công nghiệp, Nghị quyết 29 về Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa; Nghị quyết 15 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội; Nghị quyết 45 về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng) để lồng ghép, tích hợp những nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp Vùng Đồng bằng sông Hồng theo Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển các ngành công nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, năm 2022, Bộ Công Thương đã tập trung tiến hành các thủ tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng dự án Luật Phát triển công nghiệp và hiện đang hoàn thiện theo ý kiến của các cơ quan Quốc hội để báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án Luật trong Chương trình, kế hoạch xây dựng luật giai đoạn 2023 - 2024 của Quốc hội, trong đó sẽ xác định nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn một số ngành công nghiệp để ưu tiên phát triển theo hướng phải đáp ứng các nguyên tắc: Dựa trên kết quả phân tích, đánh giá khách quan lợi thế của từng vùng và địa phương; là ngành có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; là ngành công nghiệp có ý nghĩa nền tảng, có tác động lan toả cao đến các ngành kinh tế khác; là ngành sử dụng các công nghệ sạch, thân thiện môi trường; là ngành có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao; tiếp tục rà soát để nâng cấp, hoàn thiện quy định của pháp luật về công nghiệp hỗ trợ.

Thứ ba, cụ thể hóa Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về chính sách phân bố không gian và chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp để sắp xếp, phân bố không gian phát triển công nghiệp Vùng Đồng bằng sông Hồng theo nguyên tắc liên kết nội vùng và liên vùng đồng bộ với liên kết ngành công nghiệp trong Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Hồng và các quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia, hệ thống quy hoạch ngành quốc gia, trong đó cần quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị trong Nghị quyết 30 đó là "Vùng đồng bằng sông Hồng là động lực phát triển hàng đầu để định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước".

Thứ tư, hoàn thiện thể chế thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển công nghiệp Vùng theo hướng hiện đại, công nghệ cao, ít phát thải khí nhà kính, có khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng cao, tham gia sâu, toàn diện vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

Thứ năm, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực phục vụ phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, có thế mạnh của Vùng.

Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển chính phủ điện tử, xây dựng chính quyền số. Tập trung rà soát, cắt giảm mạnh mẽ các thủ tục, điều kiện đầu tư, kinh doanh không còn phù hợp. Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. Chú trọng nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 ở tất cả các thủ tục hành chính nhằm rút ngắn thời gian và tiết giảm thực chất chi phí cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và lợi thế thu hút đầu tư của các địa phương trong Vùng Đồng bằng sông Hồng.

Hình thành thị trường lao động có bước phát triển nhanh, tiếp cận theo hướng hiện đại, hội nhập

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, Vùng Đồng bằng sông Hồng có quy mô lao động lớn nhất trong sáu vùng kinh tế với tổng lực lượng lao động là 11,44 triệu người, chiếm 22,64% lực lượng lao động cả nước năm 2021.

Trong giai đoạn 2011-2021, tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ tăng từ 21,09% lên 36,96%; tỉ lệ lao động làm công hưởng lương tăng từ 38,8% lên 60,53%; tỉ lệ lao động nông nghiệp giảm từ 37,68% năm 2011 còn gần 13,55% năm 2021; tỉ lệ thất nghiệp và tỉ lệ thiếu việc làm rất thấp (tương ứng 1,97% và 1,48% năm 2021). Trong những năm qua, việc phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế trong vùng (riêng khu vực Vùng Đồng bằng sông Hồng chiếm tới 33% số dự án và trên 30% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam) đã góp phần phát triển doanh nghiệp và tạo thêm hàng chục vạn việc làm cho người lao động trong vùng và các vùng lân cận, hình thành thị trường lao động có bước phát triển nhanh, tiếp cận theo hướng hiện đại, hội nhập.

img6322-1676172140389611368952-1676218340.jpg
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, Vùng Đồng bằng sông Hồng có quy mô lao động lớn nhất trong sáu vùng kinh tế - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong giai đoạn 2021-2030, Vùng Đồng bằng sông Hồng vẫn là thị trường có nguồn nhân lực dồi dào và quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động của Vùng cần theo chiều sâu, trong đó tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc phát triển thị trường lao động gắn kết nhu cầu lao động của Vùng được xác định là nhiệm vụ căn cơ để phát triển việc làm thỏa đáng cho người lao động, góp phần tăng năng suất lao động và tạo lợi thế cạnh tranh trong hội nhập và phát triển của vùng.

Theo đó, trong thời gian tới, các địa phương của vùng cần tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, nhất là phát triển nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế tri thức và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Vùng.

Đổi mới hệ thống GD&ĐT của vùng theo hướng trang bị năng lực cho người học; tăng cường đào tạo gắn với doanh nghiệp, đào tạo tại doanh nghiệp cho người lao động. Xây dựng chính sách ưu tiên phát triển nhân lực có khả năng nắm giữ vị trí then chốt, đầu tàu dẫn dắt quá trình tăng trưởng và phát triển KTXH của Vùng; đảm bảo lao động có chuyên môn kỹ thuật cao cho các cụm, khu công nghiệp trọng yếu trên địa bàn các tỉnh của Vùng.

Hiện đại hóa, phát triển dịch vụ việc làm của Vùng Đồng bằng sông Hồng, tăng cường kết nối, liên thông với thị trường lao động các vùng trên cả nước. Xây dựng Cổng thông tin thị trường lao động của Vùng, trong đó hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu về cung - cầu lao động thống nhất và liên kết giữa các địa phương trong Vùng. Tăng cường hiệu quả phân tích và dự báo thị trường lao động; nâng cao năng lực dự báo, thực hiện dự báo kịp thời về những biến động của thị trường lao động, xu hướng ngành nghề, nhu cầu và dịch chuyển lao động để xây dựng các hoạt động kết nối cung - cầu lao động hiệu quả; áp dụng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao.

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN