Nhận diện đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp nhỏ và vừa

Bùi Quốc Khánh
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa tổ chức tọa đàm tham vấn chuyên gia với chủ đề “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh (ĐMSTX) trong doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV): Tiêu chí và thực trạng chính sách". Hội thảo nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa CIEM với Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam thực hiện đề tài nghiên cứu “Thúc đẩy ĐMSTX trong DNNVV ở Việt Nam”.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Viện trưởng CIEM Nguyễn Hoa Cương cho biết, đổi mới sáng tạo (ĐMST) là một trong những từ khóa quan trọng của Việt Nam trong thời gian qua và đã được thể hiện trong Chiến lược phát triển quốc gia, trong kế hoạch hành động của Chính phủ, trong các hoạt động hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư, hoạt động nghiên cứu. Theo báo cáo xếp hạng Chỉ số ĐMST toàn cầu (GII) do WIPO công bố năm 2022, Việt Nam xếp thứ 48/132 quốc gia/vùng lãnh thổ, tiếp tục giữ thành tích vượt trội năm thứ 12 liên tiếp, duy trì vị trí top 3 nền kinh tế ĐMST hàng đầu trong các quốc gia/vùng lãnh thổ có thu nhập trung bình thấp. Bên cạnh đó, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững cũng là mục tiêu của Việt Nam trong nhiều năm qua. Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 2021 (COP26), Việt Nam cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và lộ trình cắt bỏ nhiệt điện than, thay thế bằng các nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng sạch.

Thực hiện các mục tiêu nói trên, Chính phủ đã ban hành các chính sách và chương trình thúc đẩy ĐMST, tăng trưởng xanh, có thể kể tới như Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, Đề án hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025, Luật Hỗ trợ DNNVV và Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/03/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo… là những văn bản pháp lý đầu tiên quy định các chính sách hỗ trợ về đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo. Tại Việt Nam, DNNVV chiếm 98% tổng số doanh nghiệp - được xem là một trong những chủ thể chính trong quá trình chuyển đổi xanh quốc gia lại vẫn còn những hạn chế nhất định về nguồn lực tài chính và khả năng công nghệ, đồng thời nhận thức về ĐMSTX, sản xuất xanh, công nghệ xanh và chuyển đổi xanh còn chưa đầy đủ. Do đó, thực trạng ĐMSTX tại khu vực DNNVV và chính sách thúc đẩy DNNVV ĐMSTX là vấn đề cần thảo luận và nghiên cứu thêm.

Đại diện nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo đề dẫn tại tọa đàm

Đại diện nhóm nghiên cứu đề tài “Thúc đẩy ĐMSTX trong DNNVV ở Việt Nam” cho rằng, ĐMSTX có thể là bất kỳ đổi mới hoặc cải tiến nào với doanh nghiệp liên quan đến đổi mới sản phẩm và/hoặc đổi mới quy trình. Đồng thời đưa ra một số tiêu chí xác định DNNVV có hoạt động ĐMSTX. Theo nhóm nghiên cứu, có 3 tiêu chí xác định DNNVV có hoạt động ĐMSTX: 1) Quy mô doanh nghiệp; 2) Hoạt động ĐMSTX; 3) Tác động kinh tế - xã hội.

Về quy mô doanh nghiệp, theo nhóm nghiên cứu, cần đáp ứng các tiêu chí sau: 1) số lao động tham gia bảo hiểm xã hội/năm là 10-200 người (lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng) và 10-100 người (lĩnh vực thương mại và dịch vụ ); 2) Tổng doanh thu của năm đạt 3-200 tỷ đồng (lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng) và 10-300 tỷ đồng (lĩnh vực thương mại và dịch vụ).

Về hoạt động ĐMSTX, nhóm nghiên cứu xác định đổi mới sản phẩm, doanh nghiệp thực hiện ít nhất 1 hoạt động ĐMST trong 2 năm gần đây: có đưa ra thị trường sản phẩm mới (mới với thị trường của doanh nghiệp), có đưa ra thị trường sản phẩm mới (mới chỉ với doanh nghiệp), có đưa ra thị trường sản phẩm được cải tiến. Ngoài ra, DNVVN còn có: sản phẩm mới/được cải tiến, được dán nhãn tiết kiệm năng lượng, nhãn sinh thái; sản phẩm mới/được cải tiến để phục vụ cho các lĩnh vực có thể tái tạo và tiết kiệm năng lượng; sản phẩm mới/được cải tiến, được tạo ra từ các vật liệu có thể tái tạo/tái chế, vật liệu hữu cơ; sản phẩm mới/được cải tiến, được đóng gói bằng bao bì có thể tái tạo, tái chế; sản phẩm mới/được cải tiến, có thiết kế, cấu tạo, kiểu dáng giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải, thân thiện với môi trường. Về đổi mới quy trình, DNVVN có thực hiện ít nhất 1 hoạt động đổi mới/cải tiến quy trình trong 02 năm gần nhất (có phương pháp sản xuất, chế biến sản phẩm mới/được cải tiến; có phương pháp logistics, vận chuyển hoặc phân phối nguyên vật liệu đầu vào, thành phẩm của doanh nghiệp mới/được cải tiến; có phương thức tiếp thị và bán hàng mới/được cải tiến; có hệ thống thông tin và truyền thông mới/được cải tiến…).

Về tác động kinh tế - xã hội, DNVVN đáp ứng ít nhất 1 tiêu chí sau: hoạt động ĐMSTX mở rộng quy mô của hàng hóa và dịch vụ; doạt động ĐMSTX giúp doanh nghiệp tham gia thị trường mới; hoạt động ĐMSTX cải thiện sức khỏe và an toàn lao động; hoạt động ĐMSTX giảm chi phí sản xuất trên từng sản phẩm.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã cùng chia sẻ và trao đổi một số tham luận có liên quan như: Thực trạng và khuyến nghị chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ĐMST; Một số công cụ, chính sách, nguồn lực mới trong bảo vệ môi trường có vai trò thúc đẩy chuyển dịch sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam; Nhu cầu ĐMST trong DNNVV tại Việt Nam - Những thách thức và cơ hội; ĐMSTX trong doanh nghiệp với mục tiêu phát triển bền vững và phát thải thấp; Kinh tế tuần hoàn góp phần chuyển đổi xanh đối với doanh nghiệp…

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN