Nghiên cứu, đánh giá các tác động tiêu cực do hoạt động khai thác sa khoáng, cát, sỏi vùng ven biển miền Trung Việt Nam và đề xuất giải pháp khai thác bền vững

Miền Trung Việt Nam từ Thanh Hóa đến Bình Thuận gồm 14 tỉnh là nơi tập trung của các mỏ khoáng sản như sa khoáng titan - zircon, mỏ cát thủy tinh, cát nhiễm mặn, vật liệu xây dựng… Theo các thống kê, trữ lượng quặng titan ở khu vực này ước tính vào khoảng 14 triệu tấn. Hoạt động khai thác cát, sạn, sỏi làm vật liệu xây dựng đã và đang diễn ra rất sôi động trong nhiều năm trở lại đây, mang lại nguồn lợi kinh tế đáng kể cho các tỉnh thuộc khu vực này.

Bên cạnh những lợi thế mà ngành khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng và sa khoáng mang lại cho đất nước cũng kéo theo những hệ lụy về ô nhiễm môi trường, suy thoái hệ sinh thái và những vấn đề xung đột môi trường xã hội xảy ra trong những vùng có hoạt động khai thác.

Những năm gần đây đã có nhiều công trình nghiên cứu về ô nhiễm môi trƣờng vùng ven biển và biển ven bờ Việt Nam nói chung và miền Trung nói riêng do tác động của hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trong đó có khai thác sa khoáng, cát, sạn, sỏi. Tuy nhiên, về nghiên cứu, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường, suy thoái hệ sinh thái, xung đột môi trường xã hội..., mà nguyên nhân chính do hoạt động khai thác sa khoáng, cát, sạn, sỏi ven biển và biển ven bờ gây nên lại có rất ít công trình và chưa đưa ra những giải pháp cụ thể, các công nghệ thân thiện môi trường trong khai thác sử dụng tài nguyên môi trường để hướng tới phát triển bền vững. Để nhận diện được các vấn đề rõ hơn, cần phải có một bộ tư liệu đầy đủ về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, tài nguyên khoáng sản, hiện trạng môi trường, hệ sinh thái, các chi phí - lợi ích... mà hoạt động khai thác sa khoáng, cát, sạn, sỏi vùng nghiên cứu đem lại. Vì vậy, đề tài “Nghiên cứu, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường, suy thoái hệ sinh thái, xung đột môi trường, xã hội do hoạt động khai thác sa khoáng, cát, sỏi vùng ven biển và biển ven bờ miền Trung Việt Nam (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận) và đề xuất giải pháp khai thác bền vững”, do Cơ quan chủ trì Viện Tài nguyên, Môi trƣờng và Phát triển bền vững cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài TS. Đào Mạnh Tiến thực hiện với mục tiêu:

- Đánh giá được hiện trạng và dự báo mức độ ô nhiễm môi trường không khí, môi trường phóng xạ, môi trường nước ven biển và nước biển ven bờ, môi trường đất, môi trường trầm tích, môi trường sinh vật và mức độ tổn thương cộng đồng bởi ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác sa khoáng và cát, sạn, sỏi là chính hoặc đáng kể vùng ven biển và biển ven bờ miền Trung Việt Nam, trọng tâm là 4 vùng trọng điểm.

- Đánh giá được mức độ, xu thế suy thoái các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, đặc thù mà nguyên nhân chính hoặc nguyên nhân đáng kể do khai thác sa khoáng và cát, sạn, sỏi vùng ven biển và biển ven bờ miền Trung Việt Nam, trọng tâm là 4 vùng trọng điểm.

- Đánh giá được mức độ và hướng giải quyết xung đột môi trường, xã hội do hoạt động khai thác sa khoáng và cát, sạn, sỏi vùng ven biển và biển ven bờ miền Trung Việt Nam, trọng tâm là 4 vùng trọng điểm.

- Phân tích được chi phí - lợi ích của khai thác sa khoáng và cát, sạn, sỏi vùng ven biển và biển ven bờ miền Trung Việt Nam và 04 vùng trọng điểm.

- Đề xuất được các giải pháp quản lý, khai thác sa khoáng và cát, sạn, sỏi thân thiện với môi trường theo định hướng phát triển bền vững vùng ven biển và biển ven bờ miền Trung Việt Nam và 04 vùng trọng điểm.

Vùng nghiên cứu được xác định là phần đất liền của các huyện ven biển và phần biển ven bờ ở độ sâu từ 0 - 30m nước thuộc 14 tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận miền Trung Việt Nam. Bốn vùng mỏ nghiên cứu trọng điểm bao gồm: vùng Mỏ sa khoáng Kỳ Khang, Hà Tĩnh; vùng mỏ cát nhiễm mặn cửa Nhật Lệ, Quảng Bình; vùng mỏ cát nhiễm mặn cửa Đề Gi - sa khoáng Cát Thành, Bình Định và vùng mỏ sa khoáng Nam Suối Nhum, Bình Thuận. Ngoài ra, tập thể tác giả còn điều tra bổ sung thêm ngoài hợp đồng 1 vùng mỏ dự trữ chiến lược không khai thác là mỏ Cam Bình - Sơn Mỹ.

Phần lớn khu vực nghiên cứu thuộc miền khí hậu đông Trường Sơn, dẫn tới khu vực Bắc Trung Bộ chịu chế độ gió mùa hạ và gió tây khô nóng (gió Lào) từ phía Tây, còn khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ phần lớn chịu ảnh hưởng của gió mùa mùa đông từ biển thổi vào. Vùng này cũng là nơi chịu rất nhiều ảnh hưởng của các cơn bão, tập trung nhiều về tháng 9, 10, 11, 12. Trung bình có từ 0,3 đến 1,7 cơn bão/tháng.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

Các kết quả nghiên cứu của đề tài đã tập hợp được một khối lượng lớn các tài liệu từ các đề tài cấp Nhà nước; Các đề án; đề tài, dự án các ngành; Các đề tài nghiên cứu cấp tỉnh; Các chương trình, dự án hợp tác quốc tế qua các giai đoạn khác nhau về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, môi trường, hệ sinh thái, các vấn đề trong khai thác sa khoáng, cát, sạn, sỏi tại 14 tỉnh ven biển miền Trung Việt Nam. Đây là nguồn tài liệu quý giá và cơ bản để thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Đề tài đã tiến hành thực hiện công tác điều tra bổ sung về điều kiện tự nhiên, tài nguyên môi trường, kinh tế xã hội, các vấn đề trong khai thác sa khoáng, cát, sạn, sỏi ở vùng ven biển miền Trung, đặc biệt điều tra bổ sung tại 4 vùng trọng điểm: Kỳ Khang (Hà Tĩnh), cửa Nhật Lệ (Quảng Bình), Cát Thành - Đề Gi (Bình Định), Nam Suối Nhum (Bình Thuận) và 1 vùng ngoài hợp đồng để đối sánh là mỏ dự trữ quốc gia Cam Bình - Sơn Mỹ (La Gi, tỉnh Bình Thuận).

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16991/2019) tại Cục Thông tin KHCNQG.

Đ.T.V (NASATI)

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN