Gỡ khó cho hoạt động vận chuyển hàng hóa

Quản trị Web
Những ngày qua, nhiều địa phương đã tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, thậm chí áp dụng cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ở mức độ cao hơn. Nhưng các biện pháp này cũng gây ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp (DN), nhất là trong lĩnh vực vận chuyển, lưu thông hàng hóa, cần được tháo gỡ từ các ngành chức năng, địa phương.
2b3gian-cach-1627435609.jpg
Ùn tắc kéo dài tại chốt kiểm soát cầu Phù Đổng trong ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg tại Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Hải.

Vận tải “rối như tơ vò”

Hải Phòng là cửa ngõ xuất nhập khẩu lớn nhất miền bắc và cũng là nơi tập trung nhiều nhà máy sản xuất. Tuy nhiên, tuyến vận chuyển quan trọng này đã nghẽn lại sau khi Hải Phòng ban hành Công văn khẩn số 4958/UBND-VX (ngày 24/7), trong đó có quy định “cách ly y tế tập trung 14 ngày với người về/đi qua Hà Nội” bất kể là đến từ tỉnh nào, đồng nghĩa với việc tất cả lái xe tải đều sẽ bị áp quy định này.

Trước tình hình đó, các DN đã tính đến giải pháp đổi lái xe hoặc sang tải giữa đường,… Mặc dù vậy, không nhiều DN có đủ điều kiện và số lượng lái xe để bố trí từng chặng, đồng thời, rất nhiều loại hàng hóa cũng không thể sang tải vì thiếu thiết bị chuyên dụng, đặc thù. Theo đại diện Công ty cổ phần sản xuất Havitech, đơn vị này đang cần đưa gấp hàng từ nhà máy tại Ba Vì (Hà Nội) ra cảng Hải Phòng để xuất khẩu đi Mỹ vào ngày 26-7, nhưng với tình hình hiện nay, xe chở hàng từ Hà Nội về chắc chắn sẽ không được phép vào Hải Phòng, trong khi việc sang tải thủ công ở các chốt chắn khó khả thi vì hàng hóa nặng, cần có thiết bị chuyên dụng.

Do đó, Havitech đang phải lên phương án chuyển hàng lên Phú Thọ, nhờ một kho có thiết bị chuyển tải lên xe của công ty rồi chạy ngược lại theo tuyến Phú Thọ - Hải Phòng, vừa phát sinh nhiều công đoạn, chi phí, vừa lo lắng không kịp thời gian đóng hàng.

Hiện, Hải Phòng cũng để mở một “cánh cửa” cho DN. Cụ thể, đối với các trường hợp từ Hà Nội về có giấy xét nghiệm âm tính bằng phương pháp RT-PCR do các cơ sở được phép xét nghiệm COVID-19 tại Hà Nội cấp, thành phố sẽ xem xét giải quyết theo từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, theo phản ánh của DN, cánh cửa này quá hẹp và vẫn nhiều khó khăn vì giấy xét nghiệm RT-PCR thường phải mất 1-2 ngày mới có kết quả.

Các hiệp hội, DN vận tải kiến nghị TP Hải Phòng cho phép DN thực hiện một số biện pháp đã được áp dụng hiệu quả trong đợt dịch bùng phát lần thứ ba trước đây. Theo đó, cho phép lái xe được vào thành phố và DN sẽ bố trí chỗ ăn ở tập trung cho lái xe, không về nhà và tiếp xúc các nơi khác để hạn chế nguy cơ lây lan. Thành phố cũng có thể xem xét bố trí một số khu vực để tổ chức cách ly tập trung cho lái xe và DN sẽ chi trả các chi phí phát sinh.

Trong quá trình thực hiện các biện pháp này, DN sẵn sàng ký cam kết chặt chẽ với thành phố, bảo đảm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch cũng như chịu mọi trách nhiệm nếu có tình huống xảy ra. Bên cạnh đó, các xe từ Hà Nội và vùng dịch khác đưa hàng đi cảng Hải Phòng để xuất khẩu đề xuất TP Hải Phòng cho phép áp dụng quy trình “lái xe không tiếp xúc” mà Hiệp hội DN dịch vụ logistics (VLA) đã kiến nghị: Lái xe thực hiện 5K và mọi biện pháp sàng lọc nhanh tại các chốt; khi vào tới cảng hoặc các khu giao/nhận hàng ở yên tại buồng lái, không tiếp xúc với bất cứ ai của đơn vị đối tác; công tác bốc vác, sang tải, giao nhận hàng bố trí lực lượng khác thực hiện.

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Pòng Lê Khắc Nam cho biết, thành phố sẽ không tiến hành áp dụng cách ly 14 ngày với lái xe chở hàng hóa xuất khẩu từ Hà Nội về. Nhưng các đối tượng này cần có giấy xét nghiệm PCR âm tính với COVID-19. Ngoài ra, các phương tiện chỉ bị kiểm soát tại chốt kiểm soát dịch cuối chặng đường là cảng và kho bãi. Xe nào chưa có lô-gô phân luồng phải thực hiện khai báo tại chốt kiểm soát dịch và sau khi đủ điều kiện sẽ được phát lô-gô theo quy định. Trước thông tin này, các DN đều bày tỏ sự vui mừng, đồng thời mong rằng các chính sách sớm được chuyển thành văn bản chính thức, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác kiểm soát dịch bệnh của Hải Phòng cũng như hoạt động của DN.

Hỗ trợ cụ thể hơn nữa

Hà Nội cũng bắt đầu áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg từ 6 giờ ngày 24-7, đồng thời lập chốt chặn tại các cửa ngõ nhằm phân luồng, sàng lọc phương tiện vận tải đủ điều kiện mới cho phép lưu thông vào thành phố. Theo đó, chỉ những phương tiện có giấy nhận diện cấp cho xe vận tải hàng hóa trên “luồng xanh” mới được các chốt kiểm soát cho lưu thông.

Các phương tiện chở nhiên liệu, xăng dầu, thực phẩm tươi sống, hàng hóa thiết yếu,… có điểm đích là Hà Nội cũng được lưu thông qua chốt sau khi kiểm tra theo quy định phòng dịch, kê khai y tế. Còn những phương tiện không phải xe “luồng xanh”, trong thời điểm hiện nay đều được yêu cầu quay đầu. Vì vậy, tại hầu hết các chốt kiểm dịch ra vào TP Hà Nội, tình hình ùn ứ phương tiện, hàng hóa đang “nóng” dần.

Anh Nguyễn Huy Đức (lái xe tải biển số 29C-216.57) chia sẻ: “Sáng 24/7, tôi trở hàng linh kiện từ Cụm công nghiệp Hà Bình Phương (Thường Tín, Hà Nội) đến Nhà máy Cannon ở khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh). Sau khi mất nhiều giờ do tắc đường trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, khi đến chốt chặn tại trạm thu phí km188 + 300, tôi buộc phải quay đầu xe vì không được phép đi qua.

Thật không biết làm thế nào để giao kịp hàng cho nhà máy”. Kiểm tra tình hình lưu thông tại chốt kiểm soát Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội), Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết: Nhiều DN kinh doanh vận tải hàng hóa hiện chưa nắm bắt được thông tin, đồng thời số lượng phương tiện nộp hồ sơ để xin cấp giấy nhận diện phương tiện lưu thông trên “luồng xanh” là rất ít.

Do đó, ông Hùng đề nghị tất cả đơn vị kinh doanh vận tải các mặt hàng thiết yếu cũng như hàng hóa được lưu thông theo quy định tại Chỉ thị số 16/CT-TTg, cần khẩn trương liên hệ với các sở giao thông vận tải, hoặc vào Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Đường bộ để nắm thông tin, nộp hồ sơ theo quy định để được cấp thẻ nhận diện giúp lưu thông bình thường trên tất cả cung đường trong “luồng xanh” mà Tổng cục Đường bộ đã công bố.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện vận tải di chuyển vào Hà Nội và qua các chốt kiểm dịch nhanh nhất, Sở Giao thông vận tải thành phố đã có hướng dẫn cụ thể thực hiện đăng ký cấp thẻ nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên “luồng xanh”. Theo đó, thủ tục cấp đăng ký được thực hiện trực tuyến trên Cổng thông tin đăng ký thẻ nhận diện cho phương tiện ưu tiên hoạt động trên luồng xanh vận tải toàn quốc tại địa chỉ http://luongxanh.drvn.gov.vn.

DN cũng ghi nhận sự tích cực của Hà Nội và Tổng cục Đường bộ với các hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn cho DN vận tải trong những ngày qua. Tuy nhiên, phản ánh từ các DN có hàng muốn quá cảnh qua Hà Nội cho thấy vẫn gặp nhiều khó khăn vì theo quy định, xe hàng quá cảnh phải đi theo lộ trình đã định sẵn, có giấy tờ chứng nhận từ hải quan trên từng chặng của lộ trình và cũng không được tự ý đổi cung đường, nếu không sẽ bị phạt rất nặng.

Trong khi để hiểu rõ thêm các quy định này, nhóm DN đã liên hệ với hai đường dây nóng mà Sở Giao thông vận tải Hà Nội cung cấp nhưng chưa thể liên lạc được do máy bận hoặc không nghe. Mặt khác, do số lượng đơn đăng ký “luồng xanh” gửi tới các đơn vị chức năng hiện rất lớn khiến việc xét duyệt quá tải.

Nhiều DN đã nộp đơn 2-3 ngày vẫn chưa có hồi âm, không biết bao giờ mới nhận được. Đại diện VLA và Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam cũng đã phản ánh với đại diện Sở Công thương Hà Nội về vấn đề nêu trên và mong các cơ quan liên quan nhanh chóng vào cuộc quyết liệt hơn nữa, chủ động hỗ trợ DN tháo gỡ mọi vướng mắc, giúp hàng hóa được lưu thông thuận tiện hơn cũng như để các kết nối của nền kinh tế, của DN và người dân không bị gián đoạn.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không thực hiện kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống người dân (đã được dán giấy nhận diện có mã QR Code của ngành giao thông vận tải) trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị trên phạm vi cả nước. Việc kiểm tra chỉ được thực hiện tại các điểm giao nhận hàng hóa, bảo đảm tuân thủ đầy đủ yêu cầu phòng, chống dịch. Các đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm các điều nêu trên; chủ động xử lý những vấn đề phát sinh và kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Nguồn doanhnghiepvn
ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN