Công bố báo cáo “Toàn cảnh Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021”

DNVN - Sáng ngày 13/1/2022, tại Hà Nội, BambuUP - Nền tảng kết nối sáng tạo tại Việt Nam tổ chức “Lễ công bố Báo cáo Toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021 và giới thiệu các giải pháp tiêu biểu” đánh dấu chính thức ngày phát hành Báo cáo “Toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021” (Báo cáo).

Báo cáo được xây dựng và phát hành bởi BambuUP, dưới sự bảo trợ của Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (NSSC). Lễ công bố có sự tham gia của lãnh đạo Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Trung tâm NSSC, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Nhật Bản và đại diện của các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực kinh tế trong và ngoài nước.

Được biết, Báo cáo được bắt đầu triển thai thực hiện từ tháng 8/2021. Sau hơn 4 tháng triển khai, Báo cáo đã hoàn thiện và sẵn sàng ra mắt. Báo cáo có sự cố vấn nội dung bởi hơn 50 chuyên gia kinh tế hàng đầu trên Việt Nam.

Với mục tiêu cung cấp thông tin toàn diện, đa chiều và cập nhật các xu hướng đổi mới sáng tạo (ĐMST), Báo cáo đã chỉ ra được 03 xu hướng đổi mới sáng tạo (ĐMST) đang định hình sự phát triển của doanh nghiệp trong bối cảnh “bình thường mới” hiện nay. Đó là ĐMST dựa trên lý tưởng tồn tại (Purpose - driven innovation), ĐMST lấy trải nghiệm khách hàng làm trung tâm (Customer experience - centric innovation), ĐMST dựa trên nền tảng công nghệ cốt lõi (Tech-enabled or Tech-based innovation).

.

Bên cạnh đó, Báo cáo cung cấp bức tranh toàn diện về hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam và trên thế giới. Các độc giả có thể tìm đọc các thông tin về hệ sinh thái khởi nghiệp thế giới theo khu vực, theo các quốc gia khởi nghiệp tại châu Á như Ấn độ, Singapore và Việt Nam.

Báo cáo cung cấp cho người đọc cái nhìn về chiều sâu lịch sử khởi nghiệp Việt Nam từ những năm 2000, các thương vụ nổi bật của năm 2021 và những chính sách hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp nổi bật. Tài liệu là nguồn tham vấn hữu ích cho Chính phủ, các nhà hoạch định chính sách quy hoạch hướng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và ĐMST mở dài hạn.

Điểm đặc biệt nhất của Báo cáo là bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST toàn diện, đa chiều với điểm nhấn là 11 lĩnh vực nổi bật: FMCG, Bán lẻ, Giáo dục, Tài chính, Chăm sóc sức khỏe, Martech & Salestech, Logistics & Chuỗi cung ứng, Phát triển bền vững, Nông nghiệp, Du lịch và Lữ hành, Blockchain & Crypto. Mỗi một lĩnh vực đều nêu được bối cảnh tổng quan về ngành và xu hướng ứng dụng công nghệ nổi bật hiện nay tại Việt Nam.

Phát biểu tại sự kiện, ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (NATEC), Bộ KH&CN cho biết, đây là lần đầu tiên báo cáo ĐMST mở được triển khai và thử nghiệm trên phạm vi quốc gia. Từ đó, ông Quất bày tỏ hy vọng, với những kết quả và nền tảng sẵn có, báo cáo có thể tập hợp thêm được nhiều các nhu cầu, các thách thức của các tập đoàn, các làng công nghệ ở phạm vị quốc tế.

Ban cố vấn dự án.

Ban cố vấn dự án.

Đại diện Ban cố vấn nội dung Báo cáo, ông Đoàn Đức Thuận - Chuyên gia tư vấn, đào tạo về Chiến lược, Marketing và ĐMST nhận định: Báo cáo là một bức tranh toàn cảnh, cập nhật và có thể là rõ nét nhất, về ĐMST lần đầu có bằng Tiếng Việt tại Việt Nam. Một tài liệu tham khảo không thể thiếu cho các doanh nghiệp và chuyên gia.

Có thể nói Báo cáo là nơi hội tụ những kiến thức về ĐMST và chúng ta có thể tìm thấy những giải pháp, những đối tác cũng như những xu thế thể hiện những kết quả nỗ lực của nhiều tổ chức, cá nhân có liên quan”, ông Thuận chia sẻ.

Đại diện Quỹ đầu tư, bà Lê Hoàng Uyên Vy - Co-founder & General Partner Do Ventures cũng cho biết: Sự ra đời của Báo cáo "Toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021" mang lại giá trị quan trọng cho tất cả các bên liên quan trong hệ sinh thái, đặc biệt là nhóm các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

“Báo cáo cung cấp cho nhà đầu tư những hiểu biết mang tính nền tảng về hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, đồng thời cập nhật những xu hướng mới nhất đang diễn ra trong các lĩnh vực khác nhau. Đặc biệt, Báo cáo cũng là cây cầu nối giúp thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với các công ty khởi nghiệp Việt Nam, từ đó gia tăng nguồn vốn chảy vào thị trường đầu tư công nghệ trong nước”, bà Uyên nói.

Huyền Phạm

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN