Biến đổi khí hậu làm gia tăng sự lây lan của sâu bệnh hại cây trồng

Nghiên cứu mới phát hiện ra rằng sâu bệnh hại cây trồng ở Trung Quốc đã gia tăng đáng kể, trong đó biến đổi khí hậu là một trong những động lực liên quan.

Dựa trên bộ dữ liệu chưa từng được công bố từ năm 1970 đến năm 2016, một nhóm quốc tế bao gồm Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam (PIK) đã so sánh các dữ liệu thống kê dài hạn về sự xuất hiện của sâu bệnh ở Trung Quốc với các yếu tố tác động khí hậu tiềm ẩn - chẳng hạn như như nhiệt độ, lượng mưa, độ ẩm - cũng như các yếu tố từ thực tiễn canh tác, bao gồm cả việc bón phân, tưới tiêu, sử dụng thuốc trừ sâu. Họ phát hiện ra rằng, kể từ những năm 1970, sự xuất hiện của sâu bệnh hại cây trồng ở Trung Quốc đã tăng gấp 4 lần. Biến đổi khí hậu có khả năng gây ra khoảng 20% ​​mức tăng quan sát được, với sự khác biệt lớn giữa các tỉnh khác nhau của Trung Quốc.

Theo các nhà khoa học, khi xem xét kỹ hơn các yếu tố thúc đẩy khí hậu, nhiệt độ ban đêm ấm hơn có khả năng thúc đẩy sâu bệnh hại cây trồng gia tăng. Phát thải khí nhà kính từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ làm tăng nhiệt độ. Do đó, các nhà khoa học dự đoán biến đổi khí hậu ở Trung Quốc trong tương lai có thể ảnh hưởng như thế nào đến sâu bệnh hại cây trồng cho đến cuối thế kỷ này. Họ phát hiện ra rằng trong một kịch bản phát thải khí nhà kính cao, sự xuất hiện của sâu bệnh hại cây trồng sẽ càng gia tăng và có khả năng tăng gấp đôi.

Nhà khoa học PIK và đồng tác giả nghiên cứu, Christoph Müller cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sự xuất hiện của sâu bệnh hại cây trồng, đe dọa sản xuất lương thực toàn cầu và an ninh lương thực. Điều này cũng thách thức các hệ thống bảo vệ cây trồng hiện có và năng suất tổng thể. Những phát hiện này cảnh báo cho chúng tôi rằng cần có dữ liệu tốt hơn và nhiều nghiên cứu hơn trong lĩnh vực này để giảm thiểu hơn nữa tác động của biến đổi khí hậu đối với sản xuất lương thực”.

Lê Hồng Vân (Theo sciencedaily)

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN