Nghiên cứu một số đặc điểm dịch tễ, lâm sàng, cận lâm sàng của bệnh giun đầu gai ở người tại một số điểm miền Trung - Việt Nam

Bệnh giun đầu gai là bệnh ký sinh trùng truyền từ động vật sang ngườido ấu trùng Gnathostoma spp. gây ra, thường gặp là loài Gnathostoma spinigerum. Người bị nhiễm do ăn các loại thủy sản tái sống như cá, lươn, ếch… có chứa ấu trùng giai đoạn 3 của giun đầu gai Gnathostoma spp. Bệnh có thể biểu hiện ở nhiều cơ quan trong cơ thể, hình thái lâm sàng thường gặp là hội chứng ấu trùng di chuyển dưới da, hội chứng ấu trùng di chuyển nội tạng và những biểu hiện khác tùy thuộc vào vị trí ký sinh của ấu trùng gây tổn thương cơ quan đó.

Bệnh giun đầu gai lưu hành chủ yếu ở Nhật Bản và Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan, Lào, Việt Nam. Ngoài ra bệnh cũng lưu hành ở khu vực Trung và Nam Mỹ, đặc biệt là ở Mexico do thói quen ăn cá sống ướp trong chanh. Những thay đổi trong thói quen ăn uống là nguyên nhân chính gây ra việc mở rộng phạm vi địa lý của bệnh. Tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên, qua theo dõi tại Phòng Khám của Viện Sốt rét-KST-CT Quy Nhơn cho thấy số trường hợp bệnh giun đầu gai được phát hiện ngày một tăng cao,các trường hợp bệnh chủ yếu đến từ các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên, Gia Lai. Tuy nhiên, hiện nay các cơ sở y tế chỉ quan tâm đến khám, xét nghiệm và điều trị chứ chưa đi sâu nghiên cứu về tình hình dịch tễ học, yếu tố nguy cơ. Mặt khác, triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng của bệnh giun đầu gai hiện nay cũng còn nhiều tranh luận.

Vì vậy, nhóm nghiên cứu do PGS. TS. Nguyễn Văn Chương, Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Quy Nhơn đã thực hiện nghiên cứu: “Nghiên cứu một số đặc điểm dịch tễ, lâm sàng, cận lâm sàng của bệnh giun đầu gai ở người tại một số điểm miền Trung - Việt Nam” nhằm xác định một số đặc điểm dịch tễ của bệnh, mô tả các triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng, trên cơ sở đó đóng góp thêm dẫn liệu khoa học về sự phân bố và góp phần vào đề xuất xây dựng định nghĩa trường hợp bệnh. Cụ thể: Mô tả được một số đặc điểm dịch tễ bệnh giun đầu gai ở người tại một số điểm của miền Trung, Việt Nam năm 2017-2018; Mô tả được một số đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng trên các bệnh nhân mắc bệnh giun đầu gai; Xác định được loài giun đầu gai tại các điểm nghiên cứu bằng sinh học phân tử.

Sau một thời gian thực hiện, nhóm đề tài đã thu được một số kết quả sau:

1. Một số đặc điểm dịch tễ bệnh giun đầu gai ở người tại một số điểm của miền Trung, năm 2017-2018

Tỷ lệ huyết thanh dương tính giun đầu gai ở ngườikhá cao (tại Bình Định 7,1%, tại Quảng Ngãi 6,8%). Tỷ lệ huyết thanh dương tính giun đầu gai ở nam cao hơn ở nữ, nhóm tuổi trên 15 cao hơn nhóm từ 6-15 tuổi. Tại Bình Định, tỷ lệ nhiễm giun đầu gai trưởng thành trên chó 0,6%, nhiễm ấu trùng giun đầu gai trên lươn 2,1%; trên cá lóc 1,3%. Tại Quảng Ngãi, nhiễm trên chó 0,5%, trên lươn 1,6%; trên cá lóc 0,6%. Tỷ lệ người dân có nghe nói về bệnh giun đầu gai thấp (tại Bình Định là 28%, tại Quảng Ngãi là 30,5%). Tỷ lệ người dân có ăn thủy sản chưa nấu chín cao (Bình Định: ăn lươn: 16%, ăn cá lóc: 3,2%, ăn ngao sò: 6,9% và tại Quảng Ngãi: 13,2%, 3,2%, 6,9% tương ứng). Có mối liên quan giữa ăn lươn chưa nấu chín với nhiễm giun đầu gai ở người, nguy cơ nhiễm giun đầu gai ở người ăn lươn chưa nấu chín cao gấp 5 lần người không ăn.

2. Triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng bệnh giun đầu gai ở người tại các điểm nghiên cứu

Tỷ lệ huyết thanh dương tính giun đầu gai kết hợp ít nhất 1 triệu chứng lâm sàng có liên quan ở người tại Bình Định là 3,9%, tại Quảng Ngãi là 3,8%. Triệu chứng lâm sàng ngứa, nổi mề đay chiếm tỷ lệ cao nhất (77,3%); tiếp theo là đau đầu (38,6%); đau bụng, rối loạn tiêu hóa (14,8%), một số triệu chứng điển hình nhưng có tỷ lệ thấp hơn như mắt mờ (10,2%); phù một vùng da (10,2%); sưng đau cơ 9,1%; ấu trùng di chuyển (7,9%); mệt mỏi (7,9%). Mức độ mật độ quang trên ngưỡng của số trường hợp huyết thanh dương tính giun đầu gai chủ yếu ở mức từ 1 đến dưới 1,25 (69,6%). Mức OD/ngưỡng trên 1,5 chiếm tỷ lệ thấp (12,7%). Tỷ lệ tăng bạch cầu ái toan và total IgE trên số trường hợp huyết thanh dương tính giun đầu gai cao, bạch cầu ái toan tăng từ 6% trở lên chiếm 69%; total IgE tăng từ 130 UI/ml trở lên chiếm 76,5%. Các chỉ số chức năng gan thận của số trường hợp huyết thanh dương tính chủ yếu ở mức bình thường.

3. Xác định loài giun đầu gai thu thập tại các điểm nghiên cứu bằng sinh học phân tử

Qua 45 cá thể giun đầu gai trưởng thành trên chó và 91 ấu trùng giun đầu gai trên lươn và cá lóc được thu thập tại các điểm nghiên cứu ở Bình Định và Quảng Ngãi cho phép kết luận: Về hình thái, xác định là loài Gnathostoma spinigerum Về sinh học phân tử, định danh các mẫu là Gnathostoma spinigerum dựa vào đoạn gen ITS-2 với kích thước thu được là 647bp. Các chủng Gnathostoma spinigerum thu thập tại các điểm nghiên cứu được giải trình tự và so sánh gen đều giống nhau cùng thuộc một nhóm riêng biệt đồng thời tương đồng ở mức cao (96-99,8%) so với các mẫu Gnathostoma spinigerum trên ngân hàng gen.

Nhóm đề tài nhận thấy, cần mở rộng các điểm nghiên cứu, đặc biệt là khu vực phía Bắc và Tây Nguyên để góp phần xác định sự phân bố của bệnh giun đầu gai. Cần thu thập ấu trùng giun đầu gai ký sinh trên người tại các cơ sở y tế tuyến chuyên sâunhằm xác định loài bằng hình thái và sinh học phân tử để so sánh với loài ký sinh ở chó và các vật chủ trung gian. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền giáo dục trên các phương tiện truyền thông đại chúng nâng cao kiến thức và thực hành phòng chống bệnh giun đầu gai trong cộng đồng. Bộ Y tế ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị giun đầu gai.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 16695/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

P.T.T (NASATI)

Link nội dung: https://www.vsta.org.vn/nghien-cuu-mot-so-dac-diem-dich-te-lam-sang-can-lam-sang-cua-benh-giun-dau-gai-o-nguoi-tai-mot-so-diem-mien-trung-viet-nam-21961.html