Sự khó lường về tác động lâu dài của tài trợ nghiên cứu khẩn cấp trong đại dịch COVID-19

Nhìn chung, mặc dù các nhà tài trợ nghiên cứu đã phản ứng rất nhanh và xây dựng hiệu quả các chiến lược và kế hoạch tài trợ, nhưng có thể rút ra nhiều bài học từ cuộc khủng hoảng COVID-19 để cải thiện hiệu quả của các biện pháp này trong các cuộc khủng hoảng tương lai. Trong khi số bài báo khoa học về COVID-19 tăng ấn tượng nhờ có đầu tư lớn từ các nhà tài trợ, nhưng một số vấn đề cần được giải quyết để cung cấp thông tin cho các chính sách khoa học trong tương lai về khả năng ứng phó và chuẩn bị cho khủng hoảng.

 

Chất lượng và tác động của sản phẩm khoa học: Mặc dù rất nhiều bài báo nghiên cứu đã được xuất bản, nhưng rất khó đánh giá liệu sản phẩm khoa học có đáng được đầu tư công hay không và tác động của nó đến việc đưa ra các giải pháp cho nhiều vấn đề nảy sinh từ đại dịch. Điều quan trọng không kém là xác định xem một số loại cơ chế tài trợ - nhiều nhà tài trợ đã cố gắng đổi mới để ứng phó với tình huống khẩn cấp - có hiệu quả hơn những cơ chế khác trong việc tạo ra kết quả nghiên cứu hữu ích hay không (ví dụ, các khoản đầu tư "an toàn" dựa vào hồ sơ theo dõi và danh tiếng có mang lại kết quả tốt hơn các khoản đầu tư “rủi ro hơn” không?). Đánh giá tác động của các phương thức tài trợ khác nhau, sử dụng một loạt các chỉ số liên quan, sẽ cung cấp những hiểu biết hữu ích về những gì hiệu quả cho tương lai.

Tác động lâu dài đến các lĩnh vực nghiên cứu: Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã làm thay đổi nguồn tài trợ khoa học được phân bổ và nỗ lực hướng tới các lĩnh vực nghiên cứu y sinh. Các nguồn tài trợ lớn đã được phân bổ lại cho các lĩnh vực nghiên cứu liên quan đến COVID-19. Ảnh hưởng đến các lĩnh vực nghiên cứu khác không thể xác định được, nhưng đặt ra vấn đề về chiến lược nghiên cứu tổng thể dài hạn mà cả các nhà tài trợ nghiên cứu và các tổ chức nghiên cứu phải đưa ra để đảm bảo một danh mục nghiên cứu cân bằng và khả năng giải quyết những thách thức mới. Sự thay đổi phân bổ tài trợ cũng ảnh hưởng đến lực lượng nghiên cứu, có thể đẩy các nhà nghiên cứu sang làm việc trong các lĩnh vực nằm ngoài chuyên môn của họ. Các ví dụ gần đây như hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS) năm 2003, đợt bùng phát Ebola 2014-2016 hoặc dịch Zika năm 2016 có liên quan đến các chương trình nghiên cứu chuyên sâu và phát triển vắc-xin trong thời gian tương đối ngắn hạn, đã không được tiếp tục thực hiện khi tính cấp bách không còn. “Chu kỳ hoảng sợ và thờ ơ” này gây tác động đến kinh tế và sức khỏe, khi các cơ quan tài trợ liên bang phân bổ lại các quỹ đã cam kết phát triển vắc xin, khiến các nhà sản xuất bị thiệt hại về tài chính và phải lùi lại các chương trình phát triển vắc xin khác. COVID-19 bùng phát trên diện rộng, đã dẫn đến sự thay đổi lớn các hướng nghiên cứu. Do đó, tác động lâu dài đến các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau, sẽ cần được xem xét thận trọng.

Tác động đến hệ thống tài trợ khoa học: Tương lai của nguồn tài trợ nghiên cứu hậu khủng hoảng là khó lường. Một mặt, cuộc khủng hoảng kinh tế mới có thể dẫn đến việc cắt giảm đáng kể ngân sách nghiên cứu công, khiến hàng nghìn nhà nghiên cứu mất việc làm và giảm năng lực nghiên cứu trong nhiều năm tới. Ví dụ, ở châu Âu, kế hoạch phục hồi kinh tế trị giá 750 tỷ EUR do Hội đồng châu Âu đưa ra, sẽ được thực hiện một phần với chi phí của ngân sách nghiên cứu và phát triển (NC&PT) Horizon 2020: chỉ 80,9 tỷ EUR trong tổng số 94,4 tỷ EUR dự trữ được đề xuất vào tháng 5 bởi Ủy ban châu Âu, vẫn nằm trong ngân sách cuối cùng được Hội đồng châu Âu phê duyệt vào tháng 7, cắt giảm đến 13,5 tỷ EUR, mặc dù 4 tỷ EUR sau đó đã được thu hồi sau các cuộc thảo luận với Nghị viện châu Âu. Song song với đó, các tổ chức từ thiện tài trợ nghiên cứu và các tổ chức phi chính phủ phụ thuộc vào các nhà tài trợ, cũng đang bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm các khoản quyên góp khi các công ty và cá nhân đối mặt với một tương lai tài chính bất ổn. Vào cuối tháng 6 năm 2020, Hiệp hội các tổ chức từ thiện nghiên cứu y tế ở Vương quốc Anh đã từng gửi 1,9 tỷ GBP cho các nhà nghiên cứu y sinh, đã báo cáo nguồn thu từ việc gây quỹ giảm trung bình 38%; các quốc gia khác cũng đang trải qua tình cảnh tương tự.

Mặt khác, đại dịch nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học trong việc chuẩn bị và ứng phó với các cuộc khủng hoảng sắp tới thông qua hỗ trợ mạnh mẽ và lâu dài hơn cho nghiên cứu. Ví dụ, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh đã cam kết tài trợ mới cho nghiên cứu trong những năm tới. Ngân sách NC&PT của liên bang Hoa Kỳ cho năm 2021 đã tăng 6% so với ngân sách của năm tài chính 2020. Trong khi đó, Vương quốc Anh vẫn cam kết tăng chi tiêu công cho NC&PT lên 22 tỷ GBP vào năm 2024/25 và tăng tổng chi tiêu cho NC&PT lên 2,4% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2027. Hàn Quốc cũng đã công bố sáng kiến chính sách KH&CN mới “định hướng chính sách khoa học và công nghệ hậu corona cho một tương lai mới” xác định 30 công nghệ triển vọng sẽ được ưu tiên cao nhận được tài trợ NC&PT của chính phủ. Các chiến lược quốc gia và các cam kết tài trợ có thể rất khác biệt giữa các quốc gia, làm tăng thêm sự khó lường trong tương lai cho tất cả các bên trong hệ sinh thái nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng đối với lực lượng nghiên cứu.

P.A.T (NASATI), theo Science, Technology and Innovation Outlook 2021: Times of Crisis and Opportunity, OECD

Link nội dung: https://www.vsta.org.vn/su-kho-luong-ve-tac-dong-lau-dai-cua-tai-tro-nghien-cuu-khan-cap-trong-dai-dich-covid-19-21666.html